Khan hiếm nguồn cung mới
Ghi nhận của ĐTTC, từ đầu năm 2024 đến nay dự án nhà ở mới trên địa bàn TPHCM đủ điều kiện đưa ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, những dự án được UBND TPHCM “chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư” cũng rất hạn chế. Giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ, thủ tục đầu tư ngày càng chặt chẽ, một số thủ tục mới phát sinh, như lấy ý kiến các Thành viên UBND Thành phố về dự án thuê tư vấn đánh giá tác động môi trường sau đó trình Sở TNMT phê duyệt… khiến cho thủ tục dự án kéo dài.
Đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến nguồn cung ra thị trường ngày càng khan hiếm, giá thành sản phẩm tăng cao. Theo ghi nhận của phóng viên, những năm gần đây, người có nhu cầu mua nhà để ở lúc này muốn tìm kiếm sản phẩm giá “mềm” chỉ có thể tìm đến các vùng giáp ranh. Bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills TPHCM cho biết, trong năm 2023, TPHCM không còn các sản phẩm dưới 2 tỉ đồng/căn; 90% giao dịch thuộc phân khúc từ 2-5 tỉ đồng/căn. Trong giai đoạn 2024-2026, số lượng căn hộ có giá bán từ 2-5 tỉ đồng ở TPHCM sẽ tiếp tục khan hiếm, nguồn cung tập trung chủ yếu ở phân khúc 5-10 tỉ đồng/căn.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group chia sẻ, quỹ đất tại các quận, huyện đang phát triển của TPHCM ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Chính vì vậy để chủ đầu tư và người mua nhà dễ dàng “gặp nhau” là tìm kiếm các quỹ đất cách trung tâm TPHCM tầm 20km trở lại để phát triển dự án. “Với khoảng đó, cùng với việc kết nối giao thông thuận tiện, cộng với các chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân hàng và chủ đầu tư thì nhiều người trẻ dễ dàng sở hữu nhà ở cho riêng mình hơn”- Ông Phúc chia sẻ.
Thực tế cho thấy, hiện nay có những dự án đã hoàn thành, khách hàng chỉ trả một khoản tiền trước, nhận nhà, sau đó hàng tháng mỗi tháng trả cho chủ đầu tư 15 triệu đồng. Anh Bình, một kỹ sư IT làm việc tại Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) chia sẻ, trước kia hai vợ chồng và con nhỏ thuê nhà mỗi tháng cộng với tiền điện, nước không dưới 5 triệu. Mới đây, được biết một dự án ở khu Đông TPHCM đã hoàn thành, giá một căn hộ 2 phòng ngủ hơn 2 tỷ, trả trước 1 tỷ phần còn lại “trả góp” hàng tháng nên anh mạnh dạn mua một căn để “an cư”. “Mức lương hai vợ chồng sau khi chi tiêu vẫn đủ để trả mỗi tháng cho chủ đầu tư 15 triệu đồng. “Trước kia mình ở thuê thì hàng tháng tích lũy tiền nhiều hơn, nay hàng tháng phải trả tiền mua nhà với số tiền lớn nên không còn dư như trước, nhưng được cái đó là nhà của mình nên có động lực để phấn đấu thêm”- Anh Bình chia sẻ.
Bất động sản trên đà phục hồi
Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở TPHCM ước đạt 123.887 tỉ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Như vậy, năm 2023, tăng trưởng kinh doanh bất động sản tại TPHCM là -6,38%. Đến năm 2024, kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng dương trở lại, từ mức tăng 2,51% trong quý I/2024 sang quý II/2024, kinh doanh bất động sản đã lên 2,94%.
Theo Cục Thống kê TPHCM, thị trường bất động sản đã bước qua thời kỳ trầm lắng khi các chính sách có liên quan phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 6,1%.
Tại hội thảo mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, tín dụng bất động trên địa bàn TPHCM duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Tháng 3 tăng 0,96%; tháng 4 tăng 1,15% và tháng 5 tăng trưởng 1,15%; đạt mức dư nợ 992,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Đây là bộ phận tín dụng chiếm tỷ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia nhận định, hiện các cơ chế chính sách như lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng; đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội; Luật bất động sản; Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm, cùng với những hành động cụ thể thông qua hoạt động của các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và những chuyển biến tích cực trên, sẽ là cơ sở, là yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.