Sáng 11-11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức cuộc họp giới thiệu Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022”.
Theo ông Mai Văn Sơn, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1183 về việc tổ chức chương trình đặc biệt này, bắt đầu từ ngày 15-11 đến ngày 22-12-2022 trên phạm vi toàn quốc.
Ông Mai Văn Sơn cho biết, chương trình năm 2022 sẽ tiếp tục mở ra một “mùa đặc biệt” để tất cả các thương nhân (doanh nghiệp) thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam có thể chủ động tham gia (mà không cần phải thông qua bất kỳ khâu lựa chọn, xét duyệt nào của các cơ quan nhà nước) để có cơ hội thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp mình.
“Điểm đặc biệt, năm nay, mức khuyến mại tối đa của doanh nghiệp không còn bị giới hạn ở mức 50% mà thay vào đó, doanh nghiệp có thể khuyến mại lên tới 100% theo nhiều hình thức, tuỳ vào lựa chọn và điều kiện của doanh nghiệp”, ông Mai Văn Sơn thông tin.
Chủ trì cuộc họp báo, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, tháng khuyến mại năm 2020 đã thu hút được 27.450 chương trình, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong tháng triển khai đạt 431.900 tỷ đồng. Năm 2021, đã thu hút tới 56.410 chương trình, đưa tổng mức bán lẻ trong tháng khuyến mại đạt 458.500 tỷ đồng.
Nhận định về tháng khuyến mại tập trung quốc gia với quy mô khủng năm nay, ông Lê Hoàng Tài cho rằng, dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 có thể tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2021.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định, sau hai năm liên tiếp triển khai, mặc dù trong bối cảnh đại dịch lan rộng nhưng tháng khuyến mại tập trung quốc gia đã cho thấy những kết quả rất khả quan, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng cả nước.
“Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022 được kỳ vọng là một trong những hoạt động quan trọng để giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang phục hồi tốt, để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm”, ông Lê Hoàng Tài đánh giá.
Trả lời câu hỏi của báo chí về kiểm soát chất lượng hàng hóa trong tháng khuyến mại khủng này, nhất là vấn nạn hàng giả, hàng nhái có thể trà trộn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ông Lê Hoàng Tài khẳng định, không chỉ Cục Xúc tiến thương mại mà Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường cùng Sở Công thương tại 63 tỉnh, thành phố cũng tham gia quản lý, giám sát chương trình này.
“Bên cạnh đó, chính người tiêu dùng cũng tham gia giám sát doanh nghiệp cùng cơ quan chức năng. Nếu phát hiện trường hợp nào sử dụng hàng không minh bạch, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị xử lý ngay”, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định.