Các chuyên gia cho rằng “chìa khóa của giải pháp nằm trong mâm cơm của chúng ta và trong các trại chăn nuôi” với việc thay đổi một cách căn bản và bền vững toàn bộ lối ăn uống và hệ thống sản xuất nông nghiệp. Theo đó, giảm ít nhất 50% lượng thịt tiêu thụ tại các nước phát triển, đặc biệt là bò, dê, cừu bởi các gia súc này thải ra nhiều khí metan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn gấp bội so với CO2 và làm axit hóa đại dương. Và cuối cùng, là để có đất đai nuôi các loại gia súc này, người ta buộc phải phá rừng, vốn là những “giếng” hấp thụ khí CO2. Bên cạnh việc giảm mạnh ăn thịt bò, dê, cừu, các nhà khoa học cũng khuyến cáo giảm thịt heo, gà, cũng như giảm tiêu thụ sữa...
Tuy nhiên, việc giảm mạnh tiêu thụ thịt không có nghĩa là tất cả mọi người buộc phải ăn chay. Vấn đề quyết định là thay đổi quan niệm, thay đổi thói quen. Mọi người sẽ ăn các món ăn chứa ít thịt hơn, nhưng lại giàu dinh dưỡng hơn, đa dạng hơn. Nhà nông học người Pháp Marc Dufumier đưa ra ví dụ về nhiều loại đậu, cung cấp protein thay thế cho đạm động vật. Khi dùng các loại đậu trên, tác dụng thứ nhất là giảm tiêu thụ thịt khiến rừng ở các nơi trên thế giới không bị hủy hoại để lấy đất làm nơi chăn thả gia súc, trồng cây làm thức ăn cho gia súc. Tác dụng quan trọng thứ hai là đậu cũng chính là loại cây trồng hút khí nitơ trong không khí để làm giàu dinh dưỡng cho đất đai. Và nhờ vậy mà không cần phải bón thêm các loại phân hóa chất có chứa phân tử nitơ, làm phát sinh ra khí N2O (chưa kể việc giảm khí metan do các gia súc lớn thải ra như đã nói ở trên).
Để làm được điều này, nền nông nghiệp phải được tổ chức khác đi, một cách hiệu quả hơn để đáp ứng đòi hỏi mới. Cụ thể là việc khuyến khích tiêu thụ các thực phẩm được sản xuất tại chỗ sẽ kích thích nông nghiệp địa phương, trong nước phát triển. Sẽ có nhiều người làm nông hơn, nhà nông sẽ được trả công cao hơn, do hình thành các mạng lưới tiêu thụ trực tiếp.
Ngoài ra, còn có một sáng kiến được nhắc nhiều trong thời gian gần đây, đó là trồng rừng ồ ạt với khoảng 900 triệu ha (cùng với 2,8 tỷ ha hiện có) để giảm mạnh khí CO2 trong bầu không khí. Đây là một giải pháp tương tự với biện pháp mà IPCC khuyến cáo nhằm giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C vào năm 2050. Vấn đề là đất ở đâu để trồng rừng? Nhiều chuyên gia đã liệt kê danh sách 6 quốc gia có nhiều tiềm năng nhất: Nga (151 triệu ha), Mỹ (103 triệu ha), Canada (78 triệu ha), Australia (58 triệu ha), Brazil (50 triệu ha), Trung Quốc (40 triệu ha) và châu Âu (38 triệu ha). Đây là các vùng đất khô cằn, mà việc trồng rừng sẽ vừa giúp hút bớt CO2, vừa cải thiện chất lượng đất. Trong hiện tại, gần một nửa các nước trên thế giới mới chỉ cam kết phát triển khoảng 50% lượng đất có thể dùng để trồng rừng mới.