Thường xuyên đến Đường sách TPHCM, hẳn bạn đọc và khách tham quan sẽ quen thuộc với công việc của những anh bảo vệ nơi đây: hướng dẫn du khách, giữ an ninh trật tự, nhắc nhở khi ai đó hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến xung quanh, hay chuẩn bị loa đài, bàn ghế khi có sự kiện, chương trình giao lưu. Ai cũng hiểu nhiệm vụ chính của các anh bảo vệ là như vậy và chỉ cần làm tốt công việc của mình là đã giúp cho du khách và bạn đọc rất nhiều khi đến với đường sách. Bởi rõ ràng, đến một nơi mà mất trật tự, ai còn lòng dạ để ngồi uống cà phê, đọc sách.
Đã quen với hình ảnh trên nên nhiều người có mặt ở Đường sách TPHCM lấy làm ngạc nhiên lẫn thích thú khi thỉnh thoảng trông thấy anh bảo vệ đang say sưa đọc sách. Đường sách vốn không chỉ là không gian gặp gỡ, mua bán sách mà đây còn là nơi truyền cảm hứng đọc sách, gieo tình yêu sách đến cộng đồng. Những chương trình giới thiệu sách mới, giao lưu với các tác giả, chuyên gia thường diễn ra ở đường sách không nằm ngoài mục tiêu đó.
Đọc sách không phải là công việc của anh bảo vệ, nhưng rõ ràng, khi bắt gặp hình ảnh anh bảo vệ đang đọc sách, nhiều người đã cảm thấy thích thú và đồng ý với nhau, đó là hình ảnh rất đẹp và có ý nghĩa.
Trong cuộc họp giữa UBND TP Thủ Đức (TPHCM) với đại diện Sở TT-TT TPHCM, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam cùng hơn 30 đơn vị xuất bản trong cả nước để bàn thảo về việc triển khai Đường sách TP Thủ Đức vào cuối năm ngoái, trước khi đi vào nội dung chính, TS Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Sách Thái Hà) khiến nhiều người có mặt vừa bất ngờ lẫn thích thú khi liên tục khen… anh bảo vệ của UBND TP Thủ Đức.
Theo ông Hùng, sáng đó ông vào trụ sở UBND TP Thủ Đức, được một anh bảo vệ hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo, ân cần. Thậm chí, ông Hùng cho rằng, ở một số đơn vị, địa phương không bao giờ có chuyện như vậy. Còn anh bảo vệ của UBND TP Thủ Đức thì rất dễ thương, niềm nở, phục vụ không khác gì bảo vệ của resort 5 sao.
Hẳn có người sẽ bảo, biết đâu anh bảo vệ ở UBND TP Thủ Đức đã được “xi nhan” trước, chứ bình thường chưa chắc đã có. Cũng không loại trừ khả năng này, nhưng giả sử chuyện “xi nhan” là thật, thì sự việc của anh bảo vệ ngày hôm đó cũng có thể xem như là một ví dụ sinh động cho vấn đề ứng xử trong cuộc sống, trở thành bài học cho những ai đang hành nghề bảo vệ nói riêng và cho cộng đồng nói chung.
Ngày nay, có hai hình thức bảo vệ: bảo vệ của chính công ty/cơ quan đó, hoặc từ một công ty dịch vụ. Dù hình thức nào thì công việc, chức năng và trách nhiệm gần như giống nhau. Và có một thực tế là, khi đến một công ty/cơ quan nào đó, người mà khách hàng gặp đầu tiên, phần lớn là bảo vệ. Nếu gặp phải một anh bảo vệ cộc cằn, khuôn mặt cau có, chắc chắn sẽ khiến khách hàng khó chịu, mất thiện cảm với không chỉ anh bảo vệ mà với cả công ty/cơ quan đó. Ngược lại, nếu đó là anh bảo vệ nhiệt tình, vui vẻ, xởi lởi, sẵn sàng chào hỏi rồi dắt xe cho những người chân yếu tay mềm…, đương nhiên không chỉ anh bảo vệ mà cả công ty/cơ quan sẽ được “ghi điểm”.
Khi nhắc đến hai từ “đại sứ”, chúng ta thường nghĩ ngay đến những người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng trong xã hội, nhưng thực ra, bất cứ ai cũng có thể là đại sứ cho mình và cho cả tổ chức mà mình đang làm việc. Trong số đó, đương nhiên không thể thiếu những anh bảo vệ. Bởi như đã nói, bảo vệ chính là người đầu tiên mà khách hàng tiếp xúc, và hình ảnh lẫn thương hiệu của công ty/cơ quan có được đẹp hay không, phụ thuộc không ít vào những người này. Muốn vậy, ngoài ý thức từ chính những người đang làm công việc bảo vệ, thì các công ty/cơ quan cũng phải nhận thức được vấn đề quan trọng này, để có những chương trình hướng dẫn, đào tạo cho họ. Từ đó, giúp họ làm tốt công việc cũng như vai trò đại sứ của mình.