Sáng 26-2, tại Trung tâm y tế huyện Bến Lức (Long An), Bộ Y tế đã tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 có tên Nano Covax trên người giai đoạn 2. Với sự kiện này, Việt Nam đang tiến một bước trong hành trình cho ra lò các lô vaccine ngừa Covid-19 “Made in Vietnam” trong tương lai.
Ở lần tiêm này, các tình nguyện viên tại Long An đều có chung niềm tin: An tâm và tin tưởng với vaccine ngừa Covid-19 “Made in Vietnam" nên tâm lý rất vui vẻ, thoải mái.
Các tình nguyện viên có mặt từ sớm để đăng ký tiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG Trao đổi với báo chí tại buổi tiêm thử nghiệm, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ (Bộ Y tế), cho biết để chuẩn bị cho đợt thử nghiệm quan trọng này, trước đó các tình nguyện viên đã được sàng lọc kỹ lưỡng. Cụ thể sẽ có 500 tình nguyện viên (tuổi từ 18 đến 65) tham gia tiêm thử nghiệm tại Trung tâm y tế huyện Bến Lức.
Ở đợt thử nghiệm giai đoạn 2, theo TS Nguyễn Ngô Quang, có sự khác biệt so với giai đoạn 1 là có 4 nhóm thử nghiệm. Trong đó, 3 nhóm sử dụng vaccine, còn 1 nhóm sử dụng giả dược. Điều này hoàn toàn ngẫu nhiên, bản thân người nghiên cứu, nhân viên y tế và tình nguyện viên đều không biết để có sự khách quan. Mục đích của việc làm này là để đánh giá với từng đối tượng thì tỷ lệ sinh miễn dịch ra sao? Do đó giai đoạn 2 vô cùng quan trọng.
Các tình nguyện viên làm thủ tục trước khi tiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG Cũng theo TS Nguyễn Ngô Quang, trước tình hình dịch ngày càng diễn biến phức tạp, việc triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoan 2 được đẩy nhanh hơn, bởi nếu theo đúng tiến độ thì đến cuối tháng 3 mới tiêm mũi vaccine thứ 2; Đến cuối tháng 4 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2, nếu đáp ứng được yêu cầu liên quan về tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, thì mới chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5.
Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm, vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax an toàn, sinh miễn dịch tốt, không có biến cố bất lợi. Biểu hiện như sưng nóng, đỏ đau tại vết tiêm đều nằm trong dự đoán; đều tự khỏi, không cần can thiệp thuốc hoặc các biện pháp y tế khác.
Tình nguyện viên được kiểm tra sức khỏe... ... và lấy máu để kiểm tra trước khi tiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG Cũng theo TS Nguyễn Ngô Quang, vừa qua Việt Nam đã nhận được 117.600 liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, việc này góp phần tăng nguồn cung ứng vaccine.
TS Nguyễn Ngô Quang cho rằng: “Về tương lai, giải pháp bền vững ứng phó với các biến chủng của virus thì việc sản xuất vaccine trong nước phòng ngừa cho mọi người dân sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Bộ Y tế”.
Nói về lý do chọn Long An để tiêm thử nghiệm vaccine mà không phải một địa phương khác, ông Nguyễn Ngô Quang cho rằng, Bộ Y tế và Viện Pasteur TPHCM chọn Long An bởi địa phương này có hệ thống cơ sở y tế hoàn chỉnh từ tỉnh, huyện đến xã. Các cán bộ y tế ở đây cũng đã tham gia các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng từ trước đến nay nên có rất nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cuộc thử nghiệm nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đặc biệt là huyện Bến Lức. Chính quyền địa phương và người dân đều coi đây là một trách nhiệm xã hội. Cuối cùng, Long An là tỉnh giáp ranh TPHCM, do vậy việc vận chuyển vaccine theo các điều kiện bảo quản, chuyển vaccine nghiên cứu hoặc các mẫu phân tích từ Long An về Viện Pasteur TPHCM đều khá thuận lợi.
Tình nguyện viên được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG Còn theo BS Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An thì Long An là một trong 2 địa phương được Bộ Y tế chọn thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 2, với số lượng 500 người. Long An chọn địa bàn huyện Bến Lức để thực hiện việc này và có 500 người đăng ký tiêm thử nghiệm. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã hoàn thành công việc khám sàng lọc sức khỏe những người đăng ký để đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định.
Ngoài ra, Long An cũng đang triển khai lập danh sách 11 đối tượng theo kế hoạch của Bộ Y tế về “Tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 do Covax Facility hỗ trợ”.
11 đối tượng ưu tiên giai đoạn này gồm: Nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng, chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên…); nhân viên ngoại giao; hải quan; cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi…
Sau khi có danh sách này, tùy theo số lượng người đăng ký, Sở Y tế Long An sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh mua vaccine phòng Covid-19. Riêng đối với người dân có nhu cầu tiêm phòng, chống Covid-19 thì đến Trung tâm Tiêm chủng VNVC tại phường 6, thành phố Tân An, Long An để đăng ký.
TS Nguyễn Ngô Quang hỏi thăm các tình nguyện viên. Ảnh: HOÀNG HÙNG Được biết, trước đó Việt Nam đã hoàn tất 120/120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên.
Ở giai đoạn 1, nghiên cứu đánh giá độ an toàn của vaccine và đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch trên 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg. Bước đầu, các chuyên gia đánh giá, vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Trên thế giới, hiện có 56 loại vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, có những loại vaccine đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 như Pfizer, Moderna, Astrazeneca và loại vaccine của Nga...
QUANG HUY