Bắt đầu cuộc đua nước rút

Phân tích sâu số liệu thống kê năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu nhấn mạnh, năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường “nước rút” này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn.

Trong khi, tăng trưởng kinh tế chung của năm 2024 được dự báo suy giảm ở hầu hết các nền kinh tế chủ chốt, từ Mỹ, châu Âu đến Trung Quốc, Ấn Độ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2024, kinh tế toàn cầu sẽ phân hóa hơn, nhưng xu thế chung vẫn là giảm nhẹ so với năm 2023.

Phải nói ngay rằng “giảm nhẹ” đã là tốt hơn hẳn so với những dự báo trước đó, chủ yếu là nhờ những tín hiệu lạc quan sau một năm 2023 sóng gió. Hồi giữa năm 2023, giới chuyên gia quốc tế tin chắc kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, còn kinh tế Trung Quốc không đạt tăng trưởng 4% trong năm 2023. Cả 2 điều trên đều sai và đến nay họ đã lạc quan hơn nhiều về triển vọng ngắn hạn.

Trong nước, mức tăng trưởng 5,05% trong năm 2023 tuy không được như kế hoạch đề ra nhưng vẫn thuộc tốp cao trong khu vực (Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 12-2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Indonesia, Philippines và Singapore tăng lần lượt 5%, 5,7% và 1%, Malaysia tăng 4,2%, Thái Lan tăng 2,5%). Tốc độ tăng trưởng GDP đã trở lại quy luật thông thường: quý sau tăng cao hơn quý trước (quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47% và quý 4 ước tăng 6,72%).

Tuy nhiên, “bệ đỡ” cho nền kinh tế trong năm 2023 không phải là các động lực tăng trưởng truyền thống như công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất nhập khẩu; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà lại là khu vực dịch vụ, đầu tư công, du lịch nội địa, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Một số nhân tố mới, như khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được đặt kỳ vọng lớn, nhưng chưa phát huy tác dụng thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng chưa đủ mạnh để thực sự trở thành động lực mới.

Tác động từ sự suy giảm của kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi có những chuyển biến khả quan hơn. Trong bối cảnh đó, yếu tố quyết định vẫn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều chính sách hỗ trợ ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn đến nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được khuyến khích mạnh mẽ…

Cuối cùng, cần nhắc lại là năm 2023 đã hạ cánh mềm theo cách mà chỉ từ giữa năm 2023, các dự báo đều dè dặt hơn nhiều. Với quyết tâm chạy “nước rút”, chấp nhận những khó khăn trước mắt để nỗ lực vượt qua, hoàn toàn có thể hy vọng một kết quả lạc quan trong năm 2024.

Tin cùng chuyên mục