Trung bình tại châu Âu, các tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế 23% lợi nhuận thu được, nhưng trên thực tế, nhờ nhiều thủ pháp tối ưu hóa về thuế, họ chỉ phải trả có 15%. Theo đài RFI, điều tra của nhóm các nghị sĩ trên đã nêu bật thực trạng này.
Ví dụ như tại Luxembourg, khoảng cách giữa tỷ lệ đánh thuế chính thức và tỷ lệ thuế thu được thực sự từ các doanh nghiệp có chênh lệch cao nhất. Trên giấy tờ, tỷ lệ thuế mà các tập đoàn đa quốc gia phải nộp tại Luxembourg chiếm 29% lợi nhuận. Nhưng thực tế, các tập đoàn này chỉ phải trả có 2%. Còn tại Pháp, tỷ lệ nộp thuế của các doanh nghiệp là 33% lợi nhuận, nhưng các công ty lớn trả thuế chỉ có khoảng một nửa con số trên.
Một vấn đề đáng nói khác nữa là doanh nghiệp càng lớn thì lại càng trả ít thuế, nhờ ở các biện pháp tối ưu hóa việc nộp thuế (cách thức để giảm thiểu tối đa số tiền doanh nghiệp phải nộp). Các nghị sĩ đảng Xanh nhấn mạnh, các biện pháp này là hợp pháp, nhưng việc các tập đoàn đa quốc gia trả thuế thấp làm tăng ấn tượng về tình trạng thuế khóa bất công.
Hiện có nhiều đề xuất đang được thảo luận ở cấp độ châu Âu để hướng tới việc đánh thuế doanh nghiệp phù hợp hơn với các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, các nước như Ireland hay Luxembourg đang ngăn chặn việc Liên minh châu Âu thông qua một số quyết định mới trong lĩnh vực này. Trong hồ sơ thuế, một đề xuất để được thông qua phải nhận được sự đồng thuận của 28 quốc gia thành viên.
Theo Nghị viện châu Âu, thiệt hại do trốn thuế trong cả 28 nước thành viên ước tính khoảng 1.000 tỷ EUR/năm. Trong khi đó, theo Ủy ban châu Âu, riêng thủ thuật tối ưu hóa về thuế gây thiệt hại 50 - 70 tỷ EUR.
Trên quy mô toàn cầu, một số ước tính cho biết, thiệt hại có thể lên tới 20 - 30 ngàn tỷ EUR (tức là hơn cả GDP của nước Mỹ). Riêng đối với các tập đoàn công nghệ thông tin lớn thuộc nhóm GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), trong tuần lễ cuối tháng 1-2019, 127 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong đó có Mỹ, đã đạt đồng thuận trong việc chuẩn bị có một giải pháp tổng thể và dài hạn vào năm 2020. Một đồng thuận được đánh giá là bất ngờ, sau tình trạng bế tắc từ nhiều năm nay. Tình hình được khai thông một phần do quyết tâm của một số nước như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, quyết định đánh thuế đơn phương, không chờ sự nhất trí tập thể.
Để hậu thuẫn cho một giải pháp công bằng về thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia, một liên minh hơn 150 hiệp hội dân sự từ 16 nước châu Âu vừa khởi sự một cuộc lấy chữ ký, mang tên Stop Impunité! (Không chấp nhận tình trạng làm sai mà không bị phạt!).
Ngày 29-1 vừa qua, sau 1 tuần kêu gọi, phong trào đã nhận được sự ủng hộ của gần 300.000 người. Trước đó, ngay từ ngày đầu năm mới 2019, Brussels coi việc truy thuế các tập đoàn đa quốc gia là mục tiêu hàng đầu. Một trong các biện pháp chính của EU là ngăn các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp để tránh thuế, trong khi tại những nơi này, các tập đoàn không có bất cứ một hoạt động kinh tế thực sự nào.