Nhạy bén không đúng chỗ
“Bộ phim đang hot, người ta rần rần thì mình cũng phải tham gia chút ít cho có tính phản biện xã hội. Có gì làm nấy, vui là chính, bon chen với người ta là mười, 500 anh chị em cho ý kiến để em có động lực làm tiếp nhé”, nickname Linh Cat viết trên Facebook, phía dưới là những tấm hình Linh trong vai “phi tần” với chiếc mũ mão được chính cô chế từ đôi dép tổ ong và tràng hạt.
Kể từ khi bộ phim Diên hy công lược phát sóng và thu hút sự chú ý của khán giả, không riêng gì Linh mà dân mạng luôn đua nhau bắt chước theo các nhân vật trong phim, từ hành động, lời nói đến trang phục…
Giới trẻ còn không ngần ngại gọi nhau là tỷ - muội, hoặc ghép cho nhau những cái tên đậm mùi cổ trang Trung Quốc, chế hình những nhân vật nổi tiếng trong giới cầu thủ, diễn viên Việt vào tạo hình của nhân vật trong phim.
Ngoài bắt chước phim Trung Quốc hay Hàn Quốc, hiện nay, một bộ phận người trẻ Việt còn tỏ ra vô cùng nhạy bén với những sự việc, hiện tượng được nhiều người quan tâm, hoặc những hành động khác biệt trong cuộc sống.
Phổ biến nhất là màn bắt chước trai giả gái đã và đang tồn tại nhiều năm nay trong showbiz, trên mạng xã hội và nhiều hoạt động trong đời sống. Minh chứng là trên mạng xuất hiện không ít hình ảnh, clip các bạn trai mặc váy, trang điểm, giọng điệu và cử chỉ ẻo lả.
Mất gì từ những trò bắt chước?
Trên Facebook của Phạm Lan Anh (21 tuổi, ngụ quận Tân Phú), cho thấy hầu như trào lưu nào cũng được cô bạn này góp mặt. Ngoài thời gian phụ mẹ trông coi tiệm bánh, Lan Anh chủ yếu lướt mạng, chính vì vậy cô có khá nhiều thời gian để bắt chước người khác.
Lan Anh thẳng thắn cho biết: “Rảnh mà, người ta làm thấy hay hay thì mình làm theo coi như thử sức. Bắt chước riết thành quen, thấy trò nào trên mạng có vẻ hot là đám bạn sao chép lại rồi quăng qua kêu tôi làm, càng khó mà làm được thì càng vui, tụi bạn cũng nể”.
Chính vì thú vui bắt chước mà Lan Anh bị vấp nắp cống, dẫn đến trật khớp chân, ở thử thách lao ra khỏi ô tô và nhảy nhót bên cạnh khi chiếc xe đang chạy. Dù màn bắt chước chưa thành công và bị thương, nhưng Lan Anh khẳng định sẽ có ngày cô làm được một clip hấp dẫn cho bạn bè chiêm ngưỡng.
Nói về bắt chước phim ảnh nước ngoài, Cao Thị Hạ (sinh viên Đại học Lao động - Xã hội cơ sở 2, TPHCM), cho rằng: “Nhiều bạn nghĩ bắt chước phim ảnh nước ngoài chỉ để thỏa mãn niềm vui của bản thân, nhưng theo tôi đó là hành động quảng bá cho con người, văn hóa, lịch sử đất nước người ta và là yếu tố góp phần làm lu mờ văn hóa, lịch sử của dân tộc mình. Nếu nhanh nhạy, các bạn chắt lọc những giá trị văn hóa hay để bắt chước, thay vì chạy theo bề nổi như hiện nay”.
Dạo nổi lên trào lưu công bố thư tình viết tay, không ít bạn trẻ bị “ném đá” bởi sống ảo khi tự biên tự diễn bức thư để chứng tỏ mình bằng chị bằng em; hay bắt chước người nổi tiếng bóc phốt nhau trên truyền hình, nhiều bạn cũng lên mạng bóc phốt người này, người khác, để rồi dẫn đến những cuộc đấu khẩu, dằn mặt không đáng có.
Bắt chước phần nào còn làm méo mó hình ảnh, thông điệp mà những người khởi xướng muốn truyền tải tới. Đơn cử như thay bằng nội dung phim ảnh khai thác góc cạnh đời sống, tình cảm của người đồng tính để xã hội có cái nhìn cảm thông, sẻ chia, thì việc bắt chước tạo hình trai giả gái, yêu đương đồng tính, đã và đang trở thành trò lố trong xã hội hiện nay.
Nó góp phần làm sai lệch nhận thức, méo mó trong hành vi của một bộ phận giới trẻ. Vô hình trung làm tổn thương những con người thiệt thòi thực sự. Hay việc bắt chước theo giáo dục công nghệ khi chưa hiểu bản chất vấn đề, vô tình gây hoang mang và tạo làn sóng tranh cãi trong dư luận.
Bắt chước là hành động đua đòi theo trào lưu để chứng tỏ bản thân bắt kịp xu hướng, thu hút sự chú ý của mọi người để tìm vui. Dĩ nhiên, bắt chước ở nhiều trường hợp cũng đem lại những điểm cộng nhất định, đó là học tập, là kế thừa những cái hay, cái đẹp của người khác.
Tuy nhiên, nếu không biết chọn lọc và hiểu rõ bản chất vấn đề, thì bắt chước vừa mất thời gian, vừa mang lại những hình ảnh xấu, những rủi ro và thị phi không đáng.