Câu chuyện bắt đầu từ một clip dài 60 giây được đăng tải trên kênh TikTok có hơn 900.000 lượt theo dõi của Thơ Nguyễn (cũng đồng thời là chủ nhân của kênh YouTube có hàng triệu lượt theo dõi) về việc xin “vía” học giỏi cho các em học sinh từ một con búp bê có tên Cư Ma Mập. Có lẽ không cần nói về nội dung của clip này nữa vì đã đủ gây phản ứng dữ dội từ nhiều thành phần xã hội. Thơ Nguyễn đã “đăng đàn” nhận trách nhiệm và xin lỗi về sự chủ quan khi làm clip chủ đề nhạy cảm khiến mọi người dễ hiểu lầm nhưng YouTuber trên lại đổ lỗi cho cộng đồng mạng “làm quá lên”…
Theo trang Socialblade, kênh YouTube Thơ Nguyễn hiện đứng thứ 7 trong tốp những kênh có lượt người theo dõi nhiều nhất Việt Nam với gần 9 triệu lượt, hơn 6,2 tỷ lượt xem từ khi gia nhập vào tháng 3-2016. Theo ước tính của trang này, doanh thu một tháng của kênh có thể đạt tối đa hơn 400.000USD (tương đương hơn 9 tỷ đồng) và một năm có thể kiếm được gần 5 triệu USD (khoảng hơn 115 tỷ đồng). Tất nhiên, số tiền thực kiếm chỉ có người trong cuộc mới biết nhưng việc đương sự khoe đóng thuế với số tiền khủng phần nào hé lộ câu chuyện thu nhập trên có thể là thật.
Những lời truyền tai nhau về việc dễ kiếm tiền từ YouTube và sau này là TikTok đã tạo nên thế hệ những “nhà sáng tạo” luôn luôn trực chiến và có mặt tại mọi điểm nóng, thậm chí bất chấp xâm phạm đời tư (đặc biệt là người nổi tiếng). Sự việc tại đám tang nghệ sĩ Chí Tài vừa qua và mới đây, gia đình ca sĩ Vân Quang Long liên tục kêu cứu vì bị YouTuber “chửi rủa, vu khống” đã phản ánh phần nào thực trạng đó. Những sự việc mang tính “điển hình” đó bắt nguồn từ những lỗ hổng.
Đầu tiên, lỗ hổng ấy đến từ chính người làm kênh. Vì mục đích thu hút người xem, nhiều kênh YouTube tìm mọi cách tăng lượt xem, lượng người theo dõi bằng cách kích thích tâm lý tò mò, hiếu kỳ của đám đông. Khi tự trao cho mình “quyền lực”, bất chấp để kiếm tiền, họ dễ rơi vào quá đà, phản cảm. Vô tình cũng có và cố ý cũng không ít. Với vài trăm video đã đăng tải, không ít sản phẩm của kênh Thơ Nguyễn được cho là vô bổ, nhảm nhí…, điều mà không phải bạn nhỏ nào cũng có thể phân biệt được, vì ai cũng tò mò và đã trót “thần tượng”. Sự tự ý thức về nội dung đăng tải của người làm kênh mang yếu tố quyết định.
Tiếp theo, lỗ hổng nằm ở chính người dùng. Mỗi lượt view trên YouTube, TikTok từ người xem đang góp phần tạo doanh thu cho các kênh. Không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể kiểm soát được con cái mình đã, đang và sẽ xem gì, nhất là với nền tảng mở như YouTube. Do đó, trước hết hãy tạo ra sự thay đổi thói quen xem những kênh lành mạnh để bảo vệ trẻ em trước nhiều mối nguy hại tiềm ẩn. Hơn lúc nào hết, chính người xem hãy dùng quyền tẩy chay đúng lúc, đúng chỗ và đủ cứng rắn để góp phần làm sạch môi trường mạng.
Và cuối cùng, liên quan đến câu chuyện quản lý. Hiện nay, đã có không ít văn bản luật liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng như không được phép tung thông tin, hình ảnh xấu, độc lên đây. Tuy nhiên, dường như luật đang chuyển động chậm một bước so với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Quản lý tiền kiểm nội dung, đặc biệt trên YouTube, TikTok là điều bất khả thi. Vậy nên, chỉ khi sai phạm bị phát hiện mới bị dư luận phản đối, cơ quan chức năng xử phạt nhưng đa phần lại chưa đủ sức răn đe.
Bản thân YouTube cũng có bộ nguyên tắc cộng đồng và tính năng gắn cờ những nội dung không thích hợp, thậm chí chấm dứt hoạt động tài khoản. Rất nhiều nội dung bị cấm: ảnh khỏa thân hoặc nội dung khiêu dâm, nội dung kích động thù địch, bạo lực, quấy rối và đe dọa trên mạng, mạo danh, an toàn cho trẻ em… nhưng qua trường hợp YouTuber Thơ Nguyễn, rõ ràng việc giải quyết triệt để vấn đề này là... chưa thể. Nhất là khi sự thờ ơ của một bộ phận phụ huynh cùng sự chưa quyết liệt xử lý, ngăn chặn triệt để của cơ quan quản lý vẫn còn đó… thì xem ra mối nguy cho trẻ nhỏ trên không gian mạng thật đáng lo, đáng báo động!