Chị Nguyễn Thị Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đã nhiều năm nay chị chưa thấy rác thải được phân loại. Khái niệm này còn xa lạ với chị.
“Mỗi ngày, gia đình tôi thải rất nhiều túi ni lông lẫn với các loại rác thải khác như cuống rau, thức ăn thừa..., vì bất kể là đi chợ hay đi siêu thị mua đồ thì mỗi món đều đựng trong túi ni lông, hoặc thịt thì đựng trong đĩa xốp bọc ni lông... Nếu không bỏ đi thì biết làm gì?”, chị Hà băn khoăn.
Từ năm 2006, Dự án 3R - phân loại rác từ nguồn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ được triển khai tại TP Hà Nội. Dự án kéo dài trong 4 năm và được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 tổ chức khảo sát và đã triển khai trong năm 2006.
Giai đoạn 2 được thực hiện năm 2007, với việc thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền về giữ gìn môi trường thành phố.
Giai đoạn 3 được thực hiện trong năm 2008-2009, với việc đánh giá hiệu quả dự án, đồng thời nhân rộng dự án ra nhiều quận của Hà Nội. Thế nhưng, dự án này chưa từng được nhân rộng. Việc phân loại rác thải tại 4 quận nội thành cũng dừng lại, đến nay đã hơn 10 năm.
Vào thời điểm đó, khi rác hữu cơ được đưa đi sản xuất phân bón, công nhân phải phân loại thêm, sau đó vận chuyển lên bãi rác Nam Sơn, gây tốn kém chi phí. Giá thành phân hữu cơ bán ra lại không bù đắp được chi phí đầu vào nên càng làm càng lỗ. Vì thế, đến nay, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn vẫn đang tạm dừng hoạt động vô thời hạn, trang thiết bị máy móc dừng hoạt động.
Trao đổi về khó khăn dẫn đến chưa thể phân loại rác tại Hà Nội thời gian qua, một đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho rằng, dự án chưa có được sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, ý thức của người dân trong vấn đề phân loại rác tại nguồn chưa cao. Việc này gây khó khăn cho nhân viên môi trường khi thu gom rác thải nhựa, khiến tốn thêm thời gian cho việc phân loại rác trước khi xử lý.