Việc đổi ngoại tệ ở tiệm vàng bị xem là hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, do vậy không thể bao biện cho vi phạm của anh thợ điện này. Tuy nhiên, từ việc xử phạt hành chính này có nhiều vấn đề cần bàn.
Theo Thông tư 20/2011/TT-NHNN, cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài liên quan đến các mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài. Và theo Nghị định 96/2014/ NĐ-CP, các cá nhân mua bán ngoại tệ tại các tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng và bị tịch thu số ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam quy đổi.
Như vậy, nếu cần mua bán ngoại tệ, người dân phải đến tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Thế nhưng thực tế khi cần mua bán ngoại tệ, người dân vẫn đến các tiệm vàng, vì sao như vậy? Có thể là do rất nhiều người không biết rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị phạt rất nặng; cũng có thể là do tỷ giá quy đổi được lợi hơn một chút; nhưng nguyên do chủ yếu là giao dịch với tiệm vàng rất thuận tiện, nhanh gọn, không phải qua thủ tục mất thời giờ như với các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.
Về việc UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh thợ điện, cũng cần xem xét cho thật thấu lý, đạt tình. Đúng là Nghị định 96/2014/ NĐ-CP của Chính phủ có quy định: Phạt 80 triệu đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ; và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm. Nhưng tại Điều 3 ở Chương 1, phần Quy định chung của nghị định này, đã quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm: cảnh cáo, phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung.
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, ở Điều 3 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, đã quy định: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; và tại Điều 21 cũng quy định các hình thức xử phạt hành chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền (hình phạt chính). Trong đó, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng.
Một chi tiết cũng khiến nhiều người thắc mắc: Vì sao sự việc này xảy ra từ tháng 1-2018 mà đến bây giờ mới có quyết định xử phạt vi phạm hành chính? Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Điều 66 về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản”. Qua vụ việc này cho thấy cần có sự chấn chỉnh phù hợp hơn về pháp luật và thực thi pháp luật trong công tác quản lý mua bán ngoại tệ để thực sự giúp cho thị trường trở nên lành mạnh hơn, thay vì tạo ra những tác động tiêu cực về mặt tâm lý xã hội, thậm chí hoài nghi về động cơ của những người thực thi công vụ, như trong vụ việc vừa qua.