Giao rừng là mất
Vừa qua, UBND huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) có quyết định thu hồi toàn bộ đất rừng giao cộng đồng thôn 4, xã Lộc Phú cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý do để xảy ra nhiều sai phạm. Cộng đồng thôn 4, xã Lộc Phú ban đầu có 9 hộ dân được giao 231ha rừng để bảo vệ, nhưng sau nhiều năm chỉ còn 2 hộ thực hiện.
Trong quá trình quản lý, cộng đồng thôn 4 đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng (42,55ha), mất rừng (24,62ha), trồng rừng và các loại cây nông nghiệp không đúng phương án (78,39ha). Các hộ dân thậm chí còn sử dụng lưới thép để quây giữ đất rừng thành vườn, dùng máy múc để chôn gỗ thông sau khi cưa hạ.
Nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng đang điều tra dấu hiệu chuyển nhượng trái phép đất rừng… Còn tại cộng đồng dân cư thôn Đạ Hồng, xã Gia Bắc (huyện Di Linh), năm 2010 có 96 hộ được UBND huyện Di Linh giao 310ha đất có rừng. Tuy nhiên, đến nay nơi này để mất 72,7ha (rừng cần được quản lý bảo vệ, cải tạo để trồng rừng); thay vào đó là các cây trồng như cà phê, điều, mít, bắp.
Tương tự, cộng đồng dân cư xã Sơn Điền (có 6 thôn: Bờ Nơm, Ka Liêng, Con Sỏ, Đang Gia, Hà Giang, Bó Cao) đã lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê (đang cho thu hoạch) 58,21ha trong tổng số 101,4ha được giao.
Cá biệt, có trường hợp rừng cộng đồng giao sai đối tượng. Theo phương án được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tháng 12-2009, rừng cộng đồng dân cư thôn 1, 2, 4, xã Lộc Nam có nhóm trưởng là ông K’Đản (thôn 1, xã Lộc Nam) và 14 hộ khác. Tuy nhiên theo Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 2-2-2015 của UBND huyện Bảo Lâm, lại giao ông Nguyễn Duy Minh (ngụ phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) làm đại diện. Sai đối tượng nên đến tháng 8-2019, tổng diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng này giảm là 73,77ha nhưng chưa được cơ quan chức năng lập hồ sơ, xử lý theo quy định.
Kiến nghị thu hồi
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, sau khi thu hồi 2 dự án rừng cộng đồng, hiện địa phương có 8 cộng đồng dân cư đang được giao đất, giao rừng với tổng diện tích 2.260,36ha. Tuy đạt được một số kết quả nhưng sau 10 năm giao rừng cho cộng đồng, diện tích rừng bị mất là 184ha (bị phá). Nhu cầu lấy đất sản xuất ngày càng tăng nên những khu rừng lần lượt bị người dân chặt hạ, lấn chiếm, thậm chí còn xảy ra tình trạng người dân của cộng đồng nhận rừng tự phá rừng, tác động trái phép, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng làm rẫy. Tại những phần đất bị lấn chiếm phần lớn đã được trồng cây lâu năm nên rất khó có thể giải tỏa.
Liên quan đến các cộng đồng để mất rừng, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng Võ Danh Tuyên, chính quyền địa phương ở cơ sở và các ngành chức năng thiếu sự giám sát việc thực hiện pháp luật về lâm nghiệp của cộng đồng được giao rừng; các vụ vi phạm xảy ra chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực sử dụng đất lâm nghiệp. Cơ quan được giao chủ trì tham mưu việc giao đất, giao rừng chưa thống nhất (có cộng đồng giao cho Sở NN-PTNT tham mưu, có cộng đồng lại giao cho Sở TN-MT). Nhận thức và năng lực làm chủ của cộng đồng còn hạn chế, còn thụ động trông chờ vào chính sách hỗ trợ nên chưa phát huy tính làm chủ trên chính mảnh đất được giao. |
Trước tình trạng trên, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa đề xuất thu hồi 5 mô hình giao rừng cộng đồng tại các xã Gia Bắc, Sơn Điền (huyện Di Linh), Lộc Nam, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) do các mô hình này không phù hợp để quản lý rừng cộng đồng. Sau khi thu hồi, giao cho chủ rừng nhà nước thiết kế giao khoán rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chính các hộ thuộc cộng đồng này nhận khoán. Đối với các trường hợp có đầu tư trồng rừng thì định giá rừng để bồi thường theo quy định.
Riêng đề xuất của UBND huyện Bảo Lâm về việc giao diện tích rừng khu vực Núi Chúa cho nhân dân thôn 10B, xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) quản lý, bảo vệ theo mô hình quản lý rừng cộng đồng, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tạm thời chưa thống nhất, cho đến khi địa phương rà soát lại và xây dựng kế hoạch giao rừng cộng đồng phù hợp; đồng thời, kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để mất 184ha rừng đã giao cho các cộng đồng.