Tuy vậy cũng có những điều khoản ràng buộc dích dắc, nếu người mua không cảnh giác sẽ bị mất quyền lợi, bị từ chối bảo hiểm. Đây cũng chính là những bất cập, gây rủi ro cho khách hàng.
Các trường hợp loại trừ
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định một số nội dung mà một hợp đồng bảo hiểm phải có như: “Tên địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, tên địa chỉ của bên mua bảo hiểm; đối tượng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện, phạm vi bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, mức phí bảo hiểm...” (khoản 1, Điều 13) là những điều khoản bắt buộc mà các bên phải ghi nhận trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm.
Thông thường loại trừ bảo hiểm bao gồm nhiều trường hợp. Thứ nhất, những thiệt hại hoặc sự kiện bảo hiểm xảy ra do lỗi cố ý của người tham gia bảo hiểm hoặc người được hưởng quyền lợi bảo hiểm (khi việc chi trả quyền lợi bảo hiểm đem lại lợi ích cho những người nói trên mà bản thân họ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại hoặc rủi ro sự kiện bảo hiểm) như tự tử, đánh nhau (không phải phòng vệ chính đáng), vi phạm pháp luật, không tuân thủ uống thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ, không tuân thủ nội quy an toàn lao động bị tai nạn lao động…
Thứ hai, biết được sự kiện xảy ra mới mua bảo hiểm như có bệnh sau đó mới tham gia bảo hiểm cho bệnh này (không khai báo), có thai mới mua bảo hiểm thai sản… Thứ ba, thiệt hại được bảo hiểm xảy ra mang tính chất thảm họa gây ra bởi động đất, sóng thần, núi lửa phun, chiến tranh, đình công, bạo động, bạo loạn. Thứ tư, thiệt hại gián tiếp như giảm sút giá trị thương mại (khi khắc phục tài sản bị tổn thất) giảm giá, mất thị trường hoặc thiệt hại kinh doanh (đối với bảo hiểm tài sản đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh không bồi thường thiệt hại về thu nhập kinh doanh mang lại từ tài sản đó kể từ khi thiệt hại đến khi khắc phục xong).
hứ năm, thiệt hại tài sản do bị trộm cắp trong tai nạn và thiệt hại các tài sản mang theo không được kê khai rõ ràng để được bảo hiểm như tiền, vàng bạc, đá quý, trang sức, hành lý, tranh cổ, hài cốt… Thứ sáu, các trường hợp áp dụng chế tài không chi trả tiền bảo hiểm khi người mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm vi phạm việc cung cấp thông tin về rủi ro được bảo hiểm hoặc sự kiện bảo hiểm xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 5 ngày làm việc) kể từ khi họ biết thông tin này (trừ trường hợp bất khả kháng theo luật quy định).
Thứ bảy, các rủi ro, sự kiện bảo hiểm thuộc phạm vi bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm khác đã có trên thị trường như bảo hiểm tài sản có hoặc không bảo hiểm cho bảo hiểm thiệt hại kinh doanh, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý, bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động, bảo hiểm trộm cắp, bảo hiểm tai nạn lao động… Thứ tám, thu hẹp phạm vi bảo hiểm của một sản phẩm bảo hiểm đã có trên thị trường bằng cách liệt kê thêm một số loại trừ bảo hiểm (rủi ro, sự kiện không được bảo hiểm) để hình thành ra sản phẩm bảo hiểm mới (như bảo hiểm hàng hóa vật chất có điều khoản bảo hiểm A,B,C, bảo hiểm tai nạn con người có các điều khoản bảo hiểm về tử vong, tai nạn và điều trị ốm đau).
Bảo vệ quyền lợi khách mua hàng
Những quy định loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm hiện vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế. Chẳng hạn như, đối với việc xác định giới hạn loại trừ trách nhiệm. Trong quy định pháp luật hiện nay, việc đề cập quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm chỉ mới dừng lại ở quy định về khái niệm, những nguyên tắc và trường hợp ngoại lệ. Việc này dẫn đến khó khăn trong xác định giới hạn loại trừ trách nhiệm. Hệ quả là các doanh nghiệp có thể dùng quy định này như là một công cụ “giải thoát” khỏi nghĩa vụ chi trả khoản tiền bảo hiểm khi có trường hợp bảo hiểm xảy ra.
Mà hầu hết hiện nay, các hợp đồng kinh doanh bảo hiểm trên thực tế là hợp đồng gia nhập (hợp đồng thể hiện ý chí một bên, mà bên còn lại thể hiện ý chí bằng cách tham gia hoặc không, không có cơ hội thỏa thuận), thì việc kiểm soát được những trường hợp về giới hạn loại trừ trách nhiệm của bên mua bảo hiểm là bất khả thi. Từ đó dẫn đến tình trạng quyền lợi và lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm không được đảm bảo trên thực tế.
Vậy hệ quả pháp lý trong trường hợp không có loại trừ trách nhiệm sẽ như thế nào? Trong pháp luật hiện hành, không có sự quy định hậu quả pháp lý đối với các trường hợp hợp đồng thiếu điều khoản loại trừ trách nhiệm. Điều này gây lúng túng cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên. Về vấn đề này dẫn đến tồn tại 2 quan điểm.
Cụ thể, quan điểm thứ nhất hiểu rằng: “Hợp đồng có thể sẽ bị tuyên vô hiệu vì điều khoản loại trừ trách nhiệm là bắt buộc phải có trong hợp đồng”. Còn quan điểm thứ hai hiểu: “Những điều khoản bắt buộc này được xem như là dấu hiệu tồn tại của các quan hệ trong kinh doanh bảo hiểm. Nếu không có quy định thì hợp đồng được xem là chưa hình thành”.
Đáng lưu ý, quy định loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm có sự mâu thuẫn với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì theo luật này quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc phải tồn tại trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Điều này có thể hiểu là với những loại trừ trách nhiệm được thiết kế sẵn trong hợp đồng sẽ không có hiệu lực.
Nhà bảo hiểm vẫn phải chi trả các khoản tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra dù trên thực tế trong hợp đồng có quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm. Tức là mâu thuẫn với quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm về điều khoản loại trừ trách nhiệm như là một điều kiện để xác định sự tồn tại của hợp đồng. Tình trạng này sẽ dẫn đến hệ quả mỗi bên chủ thể tham gia sẽ áp dụng 2 văn bản pháp luật khác nhau nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Điều đó dẫn đến việc phải áp dụng nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành.
Vậy, trong mối quan hệ trên thì việc lựa chọn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm luật chung vì là văn bản có tính chất hướng đến bảo vệ người mua hàng trong quá trình thực hiện hành vi tiêu dùng của mình với nhà cung cấp. Mà Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định những điều khoản đặc thù điều chỉnh mối quan hệ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Các trường hợp quy định loại trừ trách nhiệm nên được quy định khái quát “Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chỉ được thỏa thuận nhằm mục đích bảo đảm cho khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm”. Như vậy sẽ tăng cường khả năng kiểm soát của người mua bảo hiểm về tính hợp pháp của hợp đồng và hạn chế tình trạng lạm dụng của nhà kinh doanh bảo hiểm. Thêm nữa, cần bổ sung hậu quả pháp lý cụ thể, như phải quy định rõ theo 2 quan điểm: Nếu không có điều khoản loại trừ trách nhiệm thì quy định (i) hợp đồng vô hiệu; (ii) hợp đồng bảo hiểm được xem như chưa hình thành và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Hệ quả tiếp theo sẽ là các bên sẽ khôi phục lại tình trạng tài sản ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận. Kế đến, cần giải quyết mâu thuẫn trong mối tương quan giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bổ sung những trường hợp ngoại lệ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nghĩa là những trường hợp loại trừ trách nhiệm vẫn phát sinh hiệu lực. Điều khoản “những quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để đảm bảo khả năng thanh toán” cũng được xem như là một trường hợp ngoại lệ. Mặt khác, nên bổ sung quy định về nguyên tắc xác định hiệu lực áp dụng trong Luật Kinh doanh bảo hiểm với tư cách là luật chuyên ngành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tư cách là luật điều chỉnh chung. Do đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xem xét áp dụng trong chừng mực có thể bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của người tiêu dùng với điều kiện không xâm phạm đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp bảo hiểm. |