Khu vực ngã tư Vũng Tàu là nút giao quan trọng trong mạng lưới giao thông của vùng Đông Nam bộ và quốc gia vì nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Đây lại là điểm giao giữa 2 Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 và Biên Hòa; nối trung tâm TP Biên Hòa với TP Vũng Tàu nên có lưu lượng phương tiện qua lại lớn, nhất là vào giờ cao điểm khi công nhân, người lao động đến nhà máy và tan ca. Thêm vào đó, khi dự án cầu đường Đồng Nai mới đưa vào sử dụng, thu phí cũng góp phần gia tăng tình trạng kẹt xe.
Công bằng mà nói, nạn ùn tắc, tai nạn ở ngã tư Vũng Tàu có giảm so với khi chưa có hầm chui và cầu vượt ở chiều từ Vũng Tàu qua hầm chui về TPHCM, chiều cho ô tô hướng Bắc - Nam và ngược lại. Tuy nhiên, chiều từ TPHCM rẽ vào cầu An Hảo để vào trung tâm TP Biên Hòa và chiều từ TP Biên Hòa đi Vũng Tàu, vào KCN Biên Hòa 2 vẫn xung đột và gây nên tình trạng ùn tắc không chỉ vào giờ cao điểm.
Quan sát thực địa ở khu vực này cho thấy, việc duy trì thêm đèn đỏ ở ngã ba vào KCN Biên Hòa 1 chỉ cách nút giao ngã tư Vũng Tàu khoảng 50m là chưa hợp lý khi khu vực này có rất nhiều xe container lưu thông đã gia tăng thêm tình trạng ùn ứ xe cộ. Thêm nữa, phần lớn không gian dưới cầu vượt ở quanh ngã tư lại không được tận dụng để tổ chức giao thông.
Kiến trúc sư Huỳnh Phú Kiệt (ngụ TP Biên Hòa) nêu ý tưởng nên bỏ đèn xanh, đèn đỏ ở nút giao ngã tư, tổ chức phân luồng lại một cách hợp lý để giải quyết triệt để nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông và nhất là giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Theo đó, nên làm con lươn cứng theo hướng Biên Hòa - Vũng Tàu và tổ chức vòng xuyến tại hai đầu cầu vượt theo nguyên lý “tổ chức một chiều” với ưu tiên QL1A và QL51 được đi thẳng. Ví dụ, chiều từ TPHCM về trung tâm TP Biên Hòa qua cầu An Hảo có thể đi thẳng qua cầu vượt, rẽ phải vào KCN Biên Hòa 2 để vòng lại qua ngã tư mà không cần đèn đỏ hoặc thêm nhánh rẽ trái ngay đầu cầu Đồng Nai để rẽ trái về KCN Biên Hòa 1 và trung tâm thành phố.
Ngoài ra, do vị trí ngã tư hướng từ TPHCM về TP Vũng Tàu quá hẹp nên cần sớm có kế hoạch mở rộng, cho phép thêm làn xe rẽ phải. Nhưng trước mắt, khi vẫn còn sử dụng 2 cột đèn đỏ thì nên giảm thời gian chờ đèn đỏ hợp lý để giảm thiểu tình trạng xe cộ bị ùn ứ ngay nút giao.