Bất cập mua thuốc chữa bệnh

Mặc dù Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể về việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn nhưng thực tế lâu nay, việc mua bán thuốc không cần đơn diễn ra tràn lan và phức tạp. Thậm chí dù có đơn thuốc cũng không mua được loại thuốc mà bác sĩ đã kê, khi nhiều nhà thuốc tự ý “đổi thuốc” sang các loại thuốc khác có hoạt chất tương tự.

Đỏ mắt tìm mua thuốc theo đơn

Sau khi đưa con nhỏ bị viêm họng đi khám bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), chị Lê Thị Hà (ngụ phố Đại Cồ Việt, Hà Nội) cho biết, bé được bác sĩ kê đơn thuốc có loại kháng sinh Augmentin chuyên dùng cho trẻ em, kèm nước muối sinh lý và men tiêu hóa. Tuy nhiên, chị Hà tới 3 nhà thuốc khác nhau vẫn không thể mua được loại kháng sinh Augmentin vì hết hàng. Tại các nhà thuốc chị Hà tới, chị đều được giới thiệu, gợi ý mua một số loại kháng sinh tương tự, như: Ampicillin, Ammoxicilin, Cephalexin… mà không cần đơn thuốc của bác sĩ.

L1h.jpg
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên địa bàn quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tương tự, anh Trần Văn Hoàng (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) thường xuyên mua thuốc huyết áp Mibetel 40mg (hoạt chất Telmisartan) cho người thân, nhưng rất nhiều lần được dược sĩ nhà thuốc tư vấn chuyển sang thuốc của hãng khác với cùng hoạt chất. Lý do là nhà thuốc không có sẵn loại theo yêu cầu người mua. “Người nhà tôi quen dùng một loại thuốc huyết áp nhiều năm nay, có lần chuyển sang thuốc khác cùng hoạt chất là bị mệt mỏi và mất ngủ”, anh Hoàng chia sẻ.

Tương tự, chị Phạm Thùy Liên (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay, mẹ chị được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer khoảng nửa năm nay, phải uống thuốc mỗi ngày để giảm mức độ diễn tiến nặng của bệnh. Theo đơn của bác sĩ, mẹ chị phải dùng thuốc Donepezil 10mg và Quetiapine 25mg, mỗi đơn thuốc dùng trong 2 tuần.

Tuy vậy, cùng một đơn thuốc nhưng ở mỗi nhà thuốc, chị Liên lại phải mua những loại thuốc khác nhau, giá thành khác nhau. “Mặc dù dược sĩ tư vấn thuốc có cùng hoạt chất, chỉ khác tên thương mại nhưng tôi vẫn rất băn khoăn về chất lượng và hiệu quả. Giá tiền chênh lệch cũng khá lớn. Vậy thuốc rẻ liệu có chất lượng hay không, chưa kể lỡ có tác dụng phụ thì sao?”, chị Liên phân vân.

Theo một số bác sĩ, việc mua bán thuốc nói chung và kháng sinh nói riêng nếu không có đơn thuốc cụ thể rất dễ dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hại cho sức khỏe người dùng. Bởi lẽ trong rất nhiều loại thuốc kháng sinh, nếu không chọn được loại phù hợp thì sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc, thậm chí là sốc thuốc hay biến chứng.

Theo quy định hiện hành, nhà thuốc phải tuân thủ bán thuốc đúng toa, đảm bảo thuốc đúng chất lượng và số lượng. Thế nhưng, vì một số lý do, nhiều nhà thuốc vẫn tự ý đổi thuốc của người bệnh. Trong khi đó, người bệnh tin tưởng dược sĩ, mua các loại thuốc theo tư vấn mà không lường trước được những hiểm họa có thể xảy ra. Cũng có người bệnh gặp khó khăn khi phải loay hoay tìm loại thuốc theo đơn thuốc, thuốc theo nhu cầu.

Theo thống kê của Hệ thống Thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, các cơ sở y tế trên toàn quốc kê khoảng 400-500 triệu đơn thuốc, nhưng số đơn thuốc đã được liên thông lên trên hệ thống vẫn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 20%-30%. Cùng với đó, cả nước hiện có hơn 60.000 cơ sở khám chữa bệnh (bao gồm cả công lập và tư nhân), nhưng mới chỉ có hơn 12.000 cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc trên hệ thống.

Người bán thuốc kiêm... bác sĩ

Tình trạng bán thuốc không cần đơn của bác sĩ diễn ra không chỉ tại các nhà thuốc mà còn cả trên mạng xã hội. Tại nhà thuốc P.C. (đường Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM), khi phóng viên hỏi mua thuốc Cephalexin 500mg - kháng sinh trị nhiễm khuẩn, người bán hàng lấy ngay lập tức mà không cần đơn thuốc do bác sĩ kê, cũng không hỏi người mua thuốc cần điều trị bệnh gì. Trong khi đó, trên hộp thuốc có ghi dòng chữ “Thuốc kê đơn” rất rõ.

Tương tự, tại một nhà thuốc khác cùng trên đường Cống Quỳnh, chúng tôi hỏi mua thuốc Nexium Mups 40mg - là một loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày, thực quản, loét dạ dày và phải được bác sĩ kê đơn. Sau ít phút thăm dò về việc sử dụng thuốc, người bán hàng đã bán cho chúng tôi với cái giá khá “chát” là 170.000 đồng/vỉ.

Theo Luật Dược 2016 và các quy định của Bộ Y tế, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền đã được cơ quan chức năng cấp phép.

L4a.jpg
Người dân có thể mua thuốc trực tuyến mà không phải đến nhà thuốc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhưng thực tế, không chỉ có việc mua bán thuốc trực tiếp không cần đơn thuốc mà trên một số website, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... cũng bán tràn lan nhiều loại thuốc khác nhau, từ các loại thuốc bổ, vitamin tổng hợp, thực phẩm chức năng cho tới những loại thuốc bắt buộc phải có đơn như thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, thần kinh... Người bán hàng chỉ cần dùng một tài khoản cũng có thể đăng quảng cáo, rao bán và thực hiện việc mua bán thuốc với nhiều người khác, thậm chí tới hàng chục ngàn người, thông qua các hội, nhóm.

Qua tìm hiểu, tại một tài khoản có tên “Thuốc hay” trên Facebook đã rao bán hàng chục loại thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn khác nhau, phần lớn đều được quảng cáo là hàng ngoại nhập đặc trị. Phóng viên nhắn tin hỏi mua kháng sinh Tenofovir để trị viêm gan. Người bán hàng không hề đòi hỏi có đơn thuốc của bác sĩ mà chỉ yêu cầu đặt cọc tiền 30%, nhắn địa chỉ, điện thoại nhận hàng, khi nhận được thuốc và kiểm tra đúng chủng loại cần mua thì mới thanh toán phần còn lại.

Đại diện Cục Quản lý Dược thông tin, cả nước hiện có khoảng 25.000 loại thuốc đang lưu hành, trong đó hơn 40% là các loại thuốc cần phải kê đơn mới được mua bán, cấp phát. Cùng với đó, toàn quốc có khoảng 68.000 cơ sở bán lẻ thuốc. Tất cả các cơ sở này đều đã có phần mềm đáp ứng kết nối liên thông lên Hệ thống dược quốc gia, tuy vậy việc quản lý bán thuốc kê đơn vẫn gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, nhiều cơ sở kinh doanh dược phẩm vẫn bán thuốc theo đơn thuốc người bệnh mang tới mà không xác minh đơn thuốc đó có đúng là từ cơ sở khám chữa bệnh phát hành hay không, đơn thuốc đó người bệnh đã mua những thuốc gì, còn thiếu thuốc gì, mua đúng số lượng kê đơn hay chưa. Thậm chí, với một đơn thuốc, người bệnh có thể mua rất nhiều lần tại một hoặc nhiều nhà thuốc. Không ít trường hợp người bệnh mượn đơn thuốc của người khác để tự mua cho chính mình mà không cần khám bệnh.

PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Đại biểu Quốc hội:

Dược sĩ thay bác sĩ kê đơn, bán thuốc diễn ra khá phổ biến

Hiện có không ít người dân có thói quen đến nhà thuốc mua thuốc mà không có đơn của bác sĩ, chỉ khai bệnh với nhân viên nhà thuốc. Nhân viên nhà thuốc tư vấn và bán thuốc cho người bệnh, trong đó có cả những loại thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải có kê đơn. Tình trạng dược sĩ thay bác sĩ kê đơn, bán thuốc diễn ra khá phổ biến, và hệ lụy của nó là vô cùng nguy hiểm.

Đáng lo ngại hơn, việc mua bán các loại kháng sinh, thuốc đặc trị mà không có đơn thuốc sẽ gián tiếp tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc mới, khiến cho thời gian điều trị kéo dài, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng là gánh nặng. Thói quen tự ý mua, sử dụng thuốc của nhiều người đang dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng.

Thống kê tại nước ta cho thấy, thuốc kháng sinh chiếm hơn 50% dược phẩm được sử dụng; và nước ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á, khi tỷ lệ kháng kháng sinh chiếm 40%.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về hướng dẫn, chỉ định sử dụng thuốc

Việc chỉ định thuốc cho người bệnh là rất quan trọng. Chất lượng thuốc không đảm bảo, nguồn gốc thuốc không rõ ràng sẽ dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe người bệnh.Ban giám đốc bệnh viện đã có văn bản nhắc nhở toàn thể nhân viên phải tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng thuốc trong quá trình tư vấn, hướng dẫn, chỉ định thuốc cho người bệnh sử dụng.

Trong đó, yêu cầu các bác sĩ không được phối hợp, hợp tác với các đối tượng chào mời mua bán thuốc không đúng theo quy định của pháp luật về cung ứng, mua bán thuốc; không được hướng dẫn, giới thiệu người bệnh, thân nhân của người bệnh ra ngoài bệnh viện mua thuốc mà không theo quy trình quy định của bệnh viện và pháp luật. Không được dùng những thông tin y tế làm căn cứ để hướng dẫn, định hướng, lôi kéo, chỉ định người bệnh sử dụng thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh…

Bệnh viện sẽ xử lý nghiêm các cá nhân cố tình vi phạm các quy định về hoạt động liên quan đến việc hướng dẫn, định hướng, chỉ định, cung ứng và sử dụng thuốc.

Tin cùng chuyên mục