20 điểm bị lấn chiếm
Có mặt tại khu vực khu neo đậu tránh trú bão Sông Đốc, chứng kiến nhiều nơi bị các doanh nghiệp chế biến thủy sản, bột cá như Bích Khải, Minh Phát, Sông Đốc, Kim Sơn… lấn chiếm không chỉ khu vực bờ kè, không gian mà còn xây dựng luôn cầu cảng ra bờ sông Ông Đốc vốn dành do tàu thuyền neo đậu khi có bão.
Tiếp xúc với chúng tôi, thuyền trưởng Nguyễn Văn Sơn bức xúc: “Phía cặp bờ sông là đất công, dành cho việc đi lại, khi có bão tàu thuyền neo đậu, hay cả khi thời tiết bình thường. Nhưng hiện nay, phần đường sau kè đến phần đất hành lang an toàn của khu neo đậu tránh bão đã bị các doanh nghiệp bao chiếm, có doanh nghiệp rào ngăn cách…”.
Còn “người trong cuộc” thì giải thích: “Nhà máy chúng tôi nằm trong Khu công nghiệp Sông Đốc mà khu công nghiệp này lại chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiếu các cầu cảng để doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa khi đánh bắt đưa vào nhà máy. Do đó, chúng tôi phải tự bỏ tiền ra làm cầu vượt ra sông để lên xuống cá. Do đó, phải lấn chiếm”.
Theo Ban quản lý các cảng cá tỉnh Cà Mau, khu neo đậu tránh trú bão Sông Đốc có tổng chiều dài 2.300m, chạy dọc theo bờ sông, chia làm 3 đoạn và được nối kết với lộ Tắc Thủ - Sông Đốc qua 3 đường dẫn, mỗi đường có chiều dài khoảng 150m, chiều ngang 22m. Bờ kè dọc bờ sông Ông Đốc của khu neo đậu tránh trú bão đã được xây dựng cơ bản và có con đường chiều ngang 6m, phía trên có hành lang bảo vệ. Theo thống kê, hiện có trên 20 điểm bị lấn chiếm, đoạn bị lấn chiếm nhiều nhất là khu vực thuộc địa phận thị trấn Sông Đốc, còn lại là xã Khánh Hải.
Ông Huỳnh Hữu Liêm, Phó Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Tình trạng các doanh nghiệp lấn chiếm khu tránh trú bão là một thực tế diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được. Chúng tôi đã báo cáo về cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý”.
Địa điểm chưa thuận lợi?
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Tấn Cui (chủ tàu ở Sông Đốc) nói: “Khu tránh bão nằm xa cửa biển nên ít tàu đậu và khu vực này không có dân ở. Vì bị các doanh nghiệp lấn chiếm nên có bão vào đây đậu cũng khó cho việc đi lại. Mỗi khi neo tàu không chỉ có vậy, mà còn nhiều hoạt động khác liên quan. Do đó, khi tàu về, tôi kêu tài công đậu nơi khác chứ không vào khu tránh trú bão”.
Còn ông Huỳnh Hữu Liêm cho rằng vị trí xây dựng khu tránh trú chưa hợp lý: “Bằng chứng là trận bão Tambin đầu năm 2018 vừa rồi, ghe tàu chủ yếu đậu bờ Nam chứ ít đậu bờ Bắc tại khu tránh trú bão. Các chủ tàu cho rằng, bờ Nam đậu an toàn hơn bờ Bắc”.
Cửa biển Sông Đốc là một trong những cửa biển có quy mô lớn không chỉ tại tỉnh Cà Mau mà còn ở vùng ĐBSCL. Các tàu cá khi đánh bắt ở ngư trường vùng biển Cà Mau thường hay ra vào cửa biển này neo đậu, bán hải sản. Vì vậy, khi đến con nước ra khơi, tàu cá ra vào cửa biển Sông Đốc rất nhộn nhịp. Do tính quan trọng của cửa biển này, nên khi xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Sông Đốc, tỉnh Cà Mau xác định đây là khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng. Khu neo đậu này nằm dọc bờ sông, phía trên tiếp giáp với Khu công nghiệp Sông Đốc.
Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, cho biết, sở vừa tiến hành kiểm tra về tình hình quản lý sử dụng đất khu neo đậu tránh trú bão Sông Đốc thì ngoài việc bị lấn chiếm còn phát hiện nhiều bất cập... Trong khi đó, hệ thống hạ tầng Khu công nghiệp Sông Đốc chưa đầu tư hoàn thiện, cầu cảng chưa có, nên mỗi doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Sông Đốc tự xây cầu cảng.
“Qua kiểm tra và làm việc với UBND huyện Trần Văn Thời và các đơn vị có liên quan, sở đề xuất UBND tỉnh 2 phương án giải quyết: Một là giữ nguyên khu neo đậu tránh bão theo quy hoạch được duyệt. Hai là cho tồn tại theo hiện trạng, xây dựng khu tránh trú bão tại một vị trí khác phù hợp hơn”, ông Dũng nói.
Để phát huy hiệu quả khu neo đậu cũng như tạo điều kiện cho Khu công nghiệp Sông Đốc phát triển, Sở TN-MT cũng vừa có kiến nghị UBND tỉnh xây dựng tuyến đường giao thông giữa khu neo đậu và khu công nghiệp dọc theo sông Ông Đốc; đồng thời xây dựng những tuyến đường nối với tuyến Tắc Thủ - Sông Đốc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn cũng như phát huy công năng của khu neo đậu. Cùng với đó, buộc 23 tổ chức, cá nhân xây dựng công trình vi phạm, lấn ra sông Ông Đốc phải tháo dỡ, trả lại hiện trạng để khu neo đậu hoạt động thuận tiện.