Nhiều tồn tại
Ngày 20-10, Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9) tổ chức cho ban đại diện phụ huynh tham gia giám sát khẩu phần, chất lượng bữa ăn bán trú cho hơn 1.100 học sinh. Một số hình ảnh, đoạn video về thực phẩm, bữa ăn “không đạt chất lượng” được phát tán gây bức xúc cho nhiều phụ huynh…
Cũng tại quận 9, theo phản ánh của nhiều phụ huynh sinh sống tại chung cư Him Lam Phú An, nơi có nhiều trẻ đang học tại Trường Mầm non Kids Club (cơ sở tại phường Phước Long A, quận 9, khu vực chung cư), trong ngày 23-10-2020, một số trẻ sau khi ăn bữa sáng tại trường có dấu hiệu nôn ói. Nhiều phụ huynh tại chung cư Him Lam Phú An phản ứng, nhà trường đã đưa ra kết quả xét nghiệm xác định thức ăn bị nhiễm E.Coli và Coliform.
Tại TPHCM, thị trường cung cấp thực phẩm vào trường học là một “miếng mồi” béo bở mà bất kỳ công ty, doanh nghiệp, thương nhân nào cũng muốn xen vào. Theo tiết lộ của một chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm vào trường học, để được cung cấp thực phẩm vào trường học phải trải qua nhiều “cầu”, cho nên một số công ty, doanh nghiệp phải cắt xén khẩu phần ăn, chọn những loại thực phẩm kém chất lượng nhằm tăng lợi nhuận.
Trong khi chưa kể một số bếp ăn tại trường hoặc đơn vị cung cấp thực phẩm chưa đủ điều kiện ATTP. Một số chuyên gia dinh dưỡng thừa nhận, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, khó kiểm soát triệt để và không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện sản xuất thủ công. Tại TPHCM, hiện có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn, 883 căn tin phục vụ học sinh trong các trường học.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. “Liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình hay không thì phụ huynh không thể biết được”, một hiệu trưởng trường học thừa nhận.
Tăng giám sát, quy trách nhiệm cụ thể
Theo Luật gia Trương Đình (thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), lâu nay quy trình giao nhận thực phẩm đối với các trường mầm non, tiểu học bán trú được thực hiện đảm bảo có: một kế toán, thủ kho, bếp trưởng, đại diện ban giám hiệu, đại diện giáo viên, đại diện phụ huynh tham gia giám sát. Trong số đó, chỉ có đại diện phụ huynh là bên đứng về quyền lợi trực tiếp của các trẻ. Trong tình huống, từ hiệu trưởng, kế toán, bếp ăn “bắt tay nhau” thì rất khó kiểm soát chất lượng bữa ăn học đường.
Do vậy, ngành chức năng TPHCM phải tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát các trường học có tổ chức ăn bán trú định kỳ 6 tháng/lần, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận bếp ăn đảm bảo ATTP. Đặc biệt, các quận huyện nên tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành y tế - giáo dục về ATTP, nhằm chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm. Các trường học cần phải thành lập ban giám sát ATTP, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này.
Trong khi đó, Luật sư Văn Đình Tùng (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hiệu trưởng nhà trường vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi vấn đề liên quan đến việc tổ chức bữa ăn bán trú. Ở cấp độ cao hơn, lãnh đạo địa phương phải vào cuộc xử lý, làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đến cùng mới đủ sức răn đe. “Trong thực tế, tôi thấy rằng, việc đánh giá chất lượng bữa ăn trường học thông qua hợp đồng cung cấp thực phẩm, hồ sơ năng lực của doanh nghiệp là chưa đầy đủ, vẫn có kẽ hở cho những người muốn lách luật. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các công ty, trường học để xảy ra tình trạng học sinh ngộ độc và cung cấp thực phẩm kém chất lượng như thế nào, trong Thông tư số 15/2012/TT-BYT cũng chưa quy định thật rõ ràng”, Luật sư Văn Đình Tùng nhấn mạnh.
Hàng năm, Ban quản lý ATTP TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM đều ký kết kế hoạch liên tịch về việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố và có kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học, thế nhưng chủ yếu là khuyến khích, tuyên truyền… chứ chưa có một cơ chế giám sát rõ ràng, chặt chẽ. Mặc dù Nghị định 115 của Chính phủ được xem là chế tài khá mạnh tay, nhưng nếu “bỏ ngỏ” kiểm tra, giám sát hoặc làm cho “lấy lệ” thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn học đường vẫn treo lơ lửng!