Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, chúng tôi là đối tượng chịu tác động rất lớn từ thu phí BOT.
“Một chuyến xe từ bến xe Nước Ngầm về Nam Định, 1 tháng mất 18 triệu đồng tiền phí. Có người nói BOT không tác động người nghèo là không thỏa đáng. Còn nói BOT miễn phí cho người đi xe máy nhưng cao tốc cấm xe máy… Tôi cho rằng, tác động của BOT là toàn xã hội, làm giá cả hàng hóa tăng lên. Cũng như câu nói của lãnh đạo Bộ Tài chính về việc thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến người nghèo, tôi cho rằng, những phát biểu trước người dân như vậy cần phải hết sức thận trọng”, ông Liên nói.
Ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Lào, cho biết, ở Lào không có trạm BOT nào vì Lào họ lập luận rằng lượng lưu thông xe không đáng thu và Nhà nước nên bỏ tiền ra làm mới. Nhiều lãnh đạo địa phương cũng nói là không nên làm vì dễ làm dân bức xúc.
Cũng theo ông Cường, phản ứng của lái xe trả tiền lẻ tại các trạm đặt, thu phí bất hợp lý là đúng vì họ đã đóng phí bảo trì đường bộ, phí xăng dầu, thuế phí khác nay lại bị phí BOT đè lên.
Theo ông Nguyễn Chiến, Trưởng Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ĐBQH khóa XIV, BOT là một chủ trương, xu hướng tích cực trên thế giới, mang lại lợi ích kinh tế lớn nhưng ở Việt Nam những biến tướng của BOT đã dẫn đến sai lệch, méo mó chủ trương này. Điều đó là gây đến sự phản ứng của người dân khi nó tác động trực tiếp túi tiền dân nghèo.