Theo kỹ sư giao thông Trần Văn Thịnh, với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng, thành phố đã đầu tư nhiều cầu vượt bộ hành. Nhiều cầu đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn.
Trong số đó phải kể đến cầu vượt trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, trước BV Ung bướu); cầu vượt trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh); cầu vượt trên đường Cống Quỳnh (quận 1, trước BV Từ Dũ)…
Bên cạnh các cầu vượt phát huy hiệu quả vẫn còn không ít cầu đầu tư tiền tỷ nhưng vắng bóng người qua lại, gây lãng phí. Phải kể đến cầu trên đường Đặng Văn Sâm trong Công viên Gia Định. Cầu đi qua tuyến đường nhỏ, gần giao lộ nên người dân đi tập thể dục thường chọn... băng qua đường.
Gần đó, cầu vượt trên đường Hoàng Minh Giám, đầu tư trên 11 tỷ đồng, cũng thưa người đi lại. Ông Vũ Ngọc Sơn, ngụ đường Bạch Đằng (quận Gò Vấp) cho biết, đây là cầu vượt quy mô, đẹp nhất nhì thành phố. Nhưng cầu nằm sát ngã tư, có đèn giao thông, nhiều người chờ đèn xanh để băng qua đường thay vì leo cầu. Đoạn đường Phạm Văn Đồng qua địa bàn quận Gò Vấp, quận Thủ Đức có nhiều cầu vượt bộ hành xây dựng hiện đại cũng vắng vẻ.
Theo người dân, đường Phạm Văn Đồng đi giữa khu dân cư, hai bên hầu như không có trường học đại học, công sở, nhà máy… nên nhu cầu qua lại ít. Cầu xây dựng tiền tỷ nhưng mới đưa vào sử dụng một thời gian đã bị hư hỏng, xuống cấp gây lãng phí.
Trong khi nhiều nơi cầu vượt không có bóng người qua lại, còn các “điểm nóng” gần khu vực bệnh viện, trường đại học, bến xe, khu vui chơi giải trí, nhà máy xí nghiệp… đông người qua lại thì không có cầu vượt. Có cầu vượt còn quá tải như cầu vượt trên đường Nơ Trong Long, Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), xa lộ Hà Nội (Suối Tiên, quận 9)…
Nhiều nơi rất cần cầu vượt bộ hành, như khu vực Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), Trường Đại học Luật TPHCM trên quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trên quốc lộ 1 (quận 12)…
Bà Nguyễn Thị Hoa, bán hàng ở đường Đinh Bộ Lĩnh, cho biết, mỗi ngày Bến xe miền Đông (cũ) đón đưa hàng ngàn người. Bao quanh bến xe đều là đường một chiều, người dân muốn ra vào bến phải băng qua đường rất nguy hiểm. Nếu có cầu vượt bộ hành, không chỉ thuận lợi, an toàn cho người dân mà còn hạn chế kẹt xe do lượng người xe ken đặc.
Cầu vượt tại nút giao Đại học Quốc gia TPHCM trên xa lộ Hà Nội chưa biết khi nào hoàn thành. Khu vực này tập trung hàng chục ngàn sinh viên, thêm BV Ung bướu mới xây dựng nên nhu cầu đi lại là rất lớn.