Nhiều năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đầu tư các dự án TĐC, giãn dân ở các huyện Đắk Glei, Sa Thầy, Kon Plông, Đắk Hà…, nhưng phần lớn chưa thu hút được người dân đến ở.
Dự án quy hoạch bố trí dân cư xã Đắk Long (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) từng được Báo SGGP phản ánh có nhiều tồn tại, như dự án đã kết thúc nhưng số hộ di dân lên khu TĐC chưa đạt mục tiêu đề ra; quỹ đất sản xuất tại khu TĐC không đảm bảo, trung bình mỗi hộ lên khu TĐC chỉ nhận được khoảng 33% đất sản xuất so với mục tiêu dự án được duyệt; có 42/126 hộ lên khu TĐC canh tác rồi quay lại làng cũ sinh sống.
Mới đây, khi trở lại dự án trên, chúng tôi còn phát hiện có tình trạng mua bán đất sản xuất cấp cho người dân thuộc diện TĐC.
Khu tái định cư xã Đắk Long, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đang xảy ra việc mua bán đất sản xuất cấp cho người dân thuộc diện tái định cư |
Theo ông A Điêu, Thôn phó thôn Pa Cheng (xã Đắk Long), thôn phát hiện tình trạng mua bán đất sản xuất cấp cho người dân thuộc diện TĐC từ khoảng 4 năm trước, và mới đây tiếp tục phát hiện. Người dân mua bán bằng giấy viết tay. Người bán là các hộ thuộc diện di dời lên khu TĐC nhưng chưa lên ở, còn người mua là người trong thôn hoặc xã. Đất được bán với giá “rẻ bèo”, có hộ bán 400 cây cà phê với giá 30-40 triệu đồng. Sự việc được ông báo lên xã.
Ông Trần Ngọc Trực, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Long, cho biết, tình trạng mua bán đất sản xuất cấp cho dân thuộc diện TĐC vẫn âm thầm xảy ra. Việc này do người dân tự ý mua bán với nhau, không thông qua chính quyền, vì đất sản xuất cấp cho dân TĐC chưa được phép mua bán. Lo sợ sau khi bán đất, người dân không có đất sản xuất nên xã đã chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng trên, tuyệt đối không để sang nhượng đất bằng các hình thức.
Dự án TĐC thủy điện Đắk Đrinh (triển khai tại xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) sẽ bố trí chỗ ở mới cho 192 hộ dân, 843 nhân khẩu. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kon Tum, tính đến tháng 6-2023, có 50/192 hộ dân TĐC bỏ về làng cũ.
Còn dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đắk Glei triển khai 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng từ năm 2010-2018, có 196/248 hộ đến ở; giai đoạn 2 từ năm 2018-2020, có 152/273 hộ đến ở. Việc người dân chưa lên nơi ở mới có nhiều lý do, trong đó có việc người dân đã làm nhà ở kiên cố tại nơi ở cũ, mức hỗ trợ của nhà nước còn thấp.
Tại huyện Sa Thầy, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giãn dân làng Xộp, xã Mô Rai có vai trò quan trọng trong việc ổn định dân cư xã biên giới, cũng đang gặp khó khăn, không có vốn để thực hiện. Đến tháng 6-2023, nguồn vốn ngân sách huyện chỉ mới bố trí cho dự án là hơn 1,9 tỷ đồng/88 tỷ đồng. Ông Nguyễn Kim Thái, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, thông tin, dự án đang trong giai đoạn triển khai. Huyện đang đấu giá đất để lấy kinh phí triển khai dự án.