Bất cập biển báo tên đường

Hiện nay, biển báo tên đường trên địa bàn TPHCM, đô thị lớn nhất nước  vẫn còn không ít nhược điểm, đang cần được đổi mới.
Bất cập biển báo tên đường

Hiện nay, biển báo tên đường trên địa bàn TPHCM, đô thị lớn nhất nước  vẫn còn không ít nhược điểm, đang cần được đổi mới.

Hệ thống biển báo, tên đường hiện hữu trên địa bàn thành phố có quy cách chung đối với tấm biển báo là cao 30cm và ngang 50cm. Chữ ĐƯỜNG có chiều cao 6cm còn chữ biểu thị tên đường cao 8cm.

Bảng tên đường Nguyễn Thị Minh Khai - Huyền Trân Công Chúa, quận 1. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Bảng tên đường Nguyễn Thị Minh Khai - Huyền Trân Công Chúa, quận 1. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Chính vì chiều ngang biển báo hiện hữu bị khống chế ở mức 50cm cho nên nếu tên đường ngắn như đường Lê Lợi, Bà Hạt hay Ký Con chẳng hạn thì không sao, nhưng đối với những tên đường có nhiều hơn 6 ký tự thì biển báo bắt đầu lộ ra… khiếm khuyết!. “Khuyết tật” đó là các ký tự sẽ bị buộc phải bóp hẹp lại cho vừa khuôn đóng sẵn, hệ quả làm cho người tham gia lưu thông khó nhận thấy hơn. Thế nên trên 90% tên đường tại thành phố rơi vào trường hợp có số ký tự dài hơn 6. Có thể dẫn chứng một số tên đường dài nhiều hơn 6 ký tự tiêu biểu như Trần Hưng Đạo, Alexandre de Rhode, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Nguyễn Đình Chiểu, Bà Huyện Thanh Quan, Huyền Trân Công Chúa…

Trong khi phần tên đường thường phải bóp hẹp co chữ lại cho vừa biển báo thì phần chữ ĐƯỜNG hiện nay lại có kích thước quá lớn so với chữ tên đường, gây lãng phí khoảng trống trên biển báo. Theo nhận định của dân trong nghề, chữ ĐƯỜNG chỉ nên cao không quá 4cm bởi lẽ sự giới hạn này sẽ giúp tạo thêm “đất” dành cho chữ tên đường, tốt nhất là chiều cao chữ tên đường nên là 9cm.

Không chỉ cần thay đổi về kích thước phần chữ ĐƯỜNG và phần chữ tên đường, các chuyên viên cũng cho rằng ngay cả kích thước biển báo tên đường cũng rất nên được điều chỉnh lại. Một trong những đề xuất đó là nên chăng Sở Giao thông Vận tải TPHCM quy định kích cỡ biển báo thống nhất cao 25cm, ngang 97cm thay vì như hiện nay là 30cm và 50cm. Quy cách biển báo mới dài hơn sẽ giúp hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phải bóp hẹp chữ đối với tên đường dài hơn 6 ký tự như đã xảy ra với nhiều biển báo hiện hữu.

Chiều cao từ chân trụ đến mép biển báo cũng là một vấn đề cần xem xét. Bởi vì hiện nay chiều cao từ chân trụ đến mép biển báo đang được áp dụng chỉ có 2m. Chiều cao này được xem là vẫn còn thấp và vì thế khiến cho người tham gia lưu thông phải đến gần mới thấy, tức là người đi đường khó nhận biết biển báo từ xa. Chưa kể hiện nay do nhiều vỉa hè đã hoặc đang thi công, nhà thầu thi công thường lắp đặt biển báo thấp hơn quy định 2m từ đó dẫn đến tình trạng gây vướng víu, cản trở cho khách bộ hành. Có ý kiến đề xuất cho rằng sẽ tốt hơn nếu chiều cao từ vỉa hè đến đáy biển báo nên là 2,5m thay vì chỉ 2m như lâu nay.

Chất liệu chủ yếu được dùng để làm biển báo lâu nay vẫn là tole tráng kẽm trong khi theo tiêu chuẩn lẽ ra phải được làm bằng nhôm. Theo phản ánh của Công ty Quản lý Công trình giao thông Sài Gòn, chính vì chất liệu biển báo bằng tole tráng kẽm nên qua thời gian sử dụng trên địa bàn thành phố, công ty ghi nhận bề mặt biển báo hay xảy ra tình trạng nứt!

Cuối cùng, mặc dù mang đặc thù là trung tâm kinh tế năng động và sôi động hàng đầu cả nước vốn dĩ thường xuyên thu hút nhiều du khách, nhà đầu tư quốc tế đổ vào làm ăn, du lịch tham quan, sinh sống… thế nhưng biển báo tên đường trên địa bàn thành phố lâu nay dường như lại “quên” mất phần tiếng Anh. Được biết đã có đề xuất thêm phần tiếng Anh vào biển báo tên đường, cụ thể chữ tiếng Anh đó sẽ là RD, viết tắt của từ Road.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục