Ngày 25-10 tại Trường ĐH Điện lực (Hà Nội), Bộ Công thương đã tổ chức “Diễn đàn Tiết kiệm năng lượng - từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế” với sự tham gia của hàng trăm sinh viên điện lực cùng chia sẻ các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng điện một cách an toàn, hiệu quả mà sinh viên đang áp dụng.
Theo ông Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực, những hoạt động mà trường này đã và đang thực hiện thời gian qua là vừa dạy các em về lý thuyết vừa tăng cường thực hành tiết kiệm năng lượng.
“Khi các em còn ở nhà với bố mẹ thì có lẽ không nghĩ đến tiết kiệm điện vì tiền điện là do bố mẹ các em chi trả. Nhưng bây giờ trở thành sinh viên, sinh hoạt ở ký túc xá mà nếu không thực hiện tiết kiệm điện thì sẽ ảnh hưởng ngay đến túi tiền, mức chi tiêu của các em”- ông Kiên chia sẻ.
Tại diễn đàn, các sinh viên đã nêu những giải pháp tiết kiệm điện mà bản thân đang áp dụng như: tắt bớt những thiết bị không cần thiết, tắt toàn bộ công tắc điện, rút các dây nguồn để đảm bảo an toàn khi không sử dụng thiết bị, đóng kín cửa khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, trời mát thì không sử dụng điều hòa, tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên để giảm tiêu thụ điện, sử dụng những thiết bị tiêu hao ít điện…
Theo ông Đặng Hải Dũng, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng - Bộ Công thương, hiện nay Nhà nước đã có quy định dán nhãn năng lượng trên các sản phẩm, thiết bị điện thông qua hình thức gắn sao. Thiết bị càng có nhiều sao thì càng tiêu hao ít năng lượng. “Khi chúng ta đi ôtô, xe máy thường quan tâm phương tiện tiêu hao bao bao nhiêu lít xăng dầu thì trên thiết bị điện hiện nay cũng có ghi rõ lượng điện tiêu thụ để cung cấp cho người tiêu dùng để biết mà lựa chọn”- ông Hải cho biết.
Về chính sách của quốc gia liên quan đến tiết kiệm năng lượng, đại diện của Bộ Công thương cho biết, hiện nay đang có 3 văn bản quan trọng là: Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị (ban hành năm 2020) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (đã được Quốc hội thông qua năm 2010) và Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đặt ra mục tiêu: Đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5% đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2025 và từ 8% đến 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030.
Theo ông Đặng Hải Dũng, để cụ thể hóa các chính sách này, Chính phủ và Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan đã ban hành hàng trăm văn bản quy định, hướng dẫn. Trong đó có 60 quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý các thiết bị sử dụng điện, từ những thiết bị cụ thể như nồi hơi, máy biến áp đến các loại đồ gia dụng…
Tuy nhiên, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị hiện nay đặt ra những yêu cầu cao hơn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nên cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đáp ứng thực tiễn.
Nghị quyết nêu rõ: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội” và yêu cầu “xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng đề nghị, để luật hóa nghị quyết, cần xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng. Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương.
Để quản lý hiệu suất năng lượng, cần nghiên cứu cơ chế ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm hiệu suất cao hơn, có tính định hướng thị trường, từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất thấp. Bổ sung dán nhãn năng lượng cho nhóm vật liệu xây dựng: sản phẩm kính, gạch không nung… “Có nhiều sản phẩm sau khi chuyển đổi đã có hiệu quả rõ rệt về tiết kiệm điện, chẳng hạn sản xuất ximăng lò đứng, lò cao đã giúp tiết kiệm được 10% năng lượng; các động cơ điện inverter cũng đã giúp giảm đáng kể điện”- ông Dũng dẫn chứng.
Để quản lý và thúc đẩy tiết kiệm điện bằng chính sách, ông Đặng Hải Dũng cho rằng, Nhà nước cần kiểm toán năng lượng và bắt buộc các doanh nghiệp phải thuê người quản lý năng lượng. “Thông qua kiểm toán năng lượng để nắm được mức tiêu thụ và dự báo sản lượng trong thời gian tới”. Theo đó, các doanh nghiệp phải có người quản lý năng lượng và phải được cấp chứng chỉ. Hiện Luật Điện lực cũng đã mở ra cơ chế để đào tạo nguồn nhân lực quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng, cần có quy định chi tiết về tổ chức hành nghề kiểm toán năng lượng, điều kiện đối với cơ sở đào tạo kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng.