Gần đây xã hội cũng rất lo lắng với hiện tượng có học sinh tự tử do áp lực quá lớn về mặt học hành. Xung quanh những vấn đề trên, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có chia sẻ với Báo SGGP.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, xâu chuỗi tất cả những hiện tượng trên thì chúng ta có thể nhận định gì?
- Ông PHẠM TẤT THẮNG: Nước ta vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, thầy cô bao giờ cũng dành tình cảm, trách nhiệm của mình cho học sinh. Nhưng qua một loạt vụ việc như vậy thì thấy truyền thống tốt đẹp đó dường như đây đó đang bị xâm phạm, có những biểu hiện xuống cấp hay nói nặng nề hơn là suy thoái. Điều này liên quan cả đến những mối quan hệ trong nhà trường, liên quan đến nhà trường, quan hệ xã hội, những tác động từ xã hội tới nhà trường. Ở đây, tôi cho rằng có mấy vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất là ảnh hưởng của xã hội mà chúng ta thường nói là mặt trái của cơ chế thị trường, ảnh hưởng từ những tiêu cực của xã hội tới nhà trường. Trong bối cảnh thông tin ngày càng phát triển, các em học sinh nắm bắt thông tin từ xã hội, gia đình và đưa vào nhà trường rất nhanh, thì sự ảnh hưởng càng lớn.
Thứ hai, những tiêu cực từ bạo lực xã hội, ứng xử thiếu văn hóa cũng ảnh hưởng đến nhà trường. Nhiều chủ thể trong nhà trường, từ thầy cô giáo, học sinh và cán bộ quản lý giáo dục, rồi phụ huynh đã có những ứng xử thiếu chuẩn mực, hành vi không phù hợp. Nếu những vụ việc nhỏ được xử lý tốt thì sẽ không thành những sự kiện mà vừa qua dư luận chú ý.
* Theo ông, cần những giải pháp cụ thể ra sao để ngăn ngừa?
- Những vấn đề trên vừa là nhận diện, vừa là nguyên nhân. Nguyên nhân thế nào thì phải có giải pháp thế ấy. Ví dụ nguyên nhân từ những tác động xã hội thì phải làm thế nào hạn chế tác động tiêu cực từ xã hội. Đây là việc khó nhưng chúng ta phải làm theo phương thức, như lấy cái tốt để lấn át cái xấu; có định hướng tuyên truyền cho cả cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo cần có những hành vi ứng xử thế nào cho phù hợp.
Ở đây cũng đặt câu chuyện vấn đề quản lý. Chẳng hạn như: cô giáo không giảng bài 3 tháng; phụ huynh hành hung thầy cô giáo ngay trong trường học... Đó là những hành vi không thể chấp nhận được mà cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo, chính quyền địa phương phải có sự phối hợp, làm sao để môi trường trường học phải thực sự an toàn, trong lành, thân thiện. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, kỹ năng của các chủ thể tham gia vào quá trình này.
Cụ thể, cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo phải là những người được lựa chọn tốt hơn kể cả về năng lực, mức độ yêu nghề và được đào tạo kỹ lưỡng không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng ứng xử.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải thấy được ý thức trách nhiệm của mình với thầy cô giáo, phải làm gương cho con cái trong quá trình giáo dục con cái mình. Tất cả các chủ thể phải nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của mình. Và như vậy, đặt ra câu chuyện là cần phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của xã hội về vai trò của giáo dục, về sự quan tâm đúng mức của xã hội đối với giáo dục và những ứng xử cần thiết, đúng mực của các chủ thể tham gia trong quá trình giáo dục. Giáo dục rõ ràng không phải là chuyện của riêng gia đình mà là sự kết hợp giữa các chủ thể: gia đình, nhà trường và xã hội.
* Nhiều ý kiến cho rằng, hàng loạt các sự cố vừa qua xảy ra trong trường học đã cảnh báo về lỗi hệ thống chứ không còn là những sự việc riêng lẻ. Ông có ý kiến gì?
- Tôi đồng ý việc giáo dục đạo đức, văn hóa trong hệ thống trường học của chúng ta chưa được coi trọng đúng mức cần thiết. Chính vì thế dư luận vừa qua đã đánh giá là có biểu hiện xuống cấp về mặt đạo đức trong thanh thiếu niên, trong học sinh, sinh viên. Điều này rõ ràng có vai trò của ngành giáo dục, mà ở đây là việc dạy đạo đức, lối sống, văn hóa, kỹ năng cho học sinh trong trường học, rộng hơn là đào tạo giáo sinh ở các trường sư phạm.
Nhưng nếu nói rằng các hiện tượng tiêu cực đang lan rộng thành xu thế thì tôi không tán đồng. Những sự việc vừa qua chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ là hiện tượng, chưa đủ cơ sở để đánh giá đang có xu thế lan rộng. Nhưng những điều đó cho chúng ta nhìn lại là đã đến lúc phải quan tâm hơn đến việc giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống, kỹ năng trong trường học.
* Sau hàng loạt sự việc xảy ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới triệu tập cuộc họp để xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học. Có ý kiến cho rằng “mất bò mới lo làm chuồng”?
- Ở đây tôi chia sẻ với ngành giáo dục. Có thực tế chung là văn bản quản lý luôn đi sau thực tiễn, quản lý nhà nước cũng vậy, luôn có độ trễ nhất định. Đây là việc làm chậm, nhưng chậm còn hơn không, vì rõ ràng sau những vụ việc đó đòi hỏi phải có một bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
* Xin cảm ơn ông!