Theo một nghiên cứu do tổ chức môi trường Greenpeace khởi xướng nhằm kiểm tra tác động của Thỏa ước Xanh (Green Deal) của Liên minh châu Âu (EU), các mô hình tiêu thụ tại các nước giàu có trong EU đang gây hại cho môi trường của các nước nghèo hơn trong khối, tạo nên sự bất công lớn về môi trường sinh thái.
Nghiên cứu tập trung vào xem xét khối dữ liệu từ năm 1995-2019, kiểm tra mức tăng trưởng GDP liên quan đến tiêu thụ hàng hóa như thực phẩm, đồ may mặc, sản phẩm chế biến và dịch vụ, và so sánh với các tác động về môi trường (khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chất độc trong nước và đất, ô nhiễm không khí…).
Kết quả vừa được công bố trên tạp chí Nature Sustainability cho thấy, các tác động tiêu cực gia tăng đáng kể và vượt ra ngoài châu Âu - bao gồm cả Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản - trong khi hơn 85% lợi ích kinh tế thuộc về các nước thành viên nội bộ ở châu lục này.
Các nước giàu có trong EU nhận tác động tích cực về GDP trong khi những nơi cung cấp hàng tiêu dùng, phần lớn là các nước láng giềng Đông Âu của EU, phải hứng chịu các tác động tiêu cực về môi trường. Ví dụ, các nhà sản xuất nông nghiệp tại Tây Ban Nha và Hy Lạp chứng kiến tác động bất cân xứng về nước, đa dạng sinh thái và sử dụng đất đai so với lợi ích kinh tế từ việc sản xuất hàng hóa chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Klaus Hubacek, Đại học Groningen tại Hà Lan, kêu gọi người tiêu dùng có thể thay đổi các mô hình tiêu dùng, như bớt ăn thịt rẻ tiền từ các nước thực hiện luật môi trường lỏng lẻo, đồng thời kêu gọi các nước EU đưa ra các quy định nhập khẩu khắt khe hơn.
Một giải pháp có thể là áp đặt sửa đổi thuế ở biên giới, sao cho hàng hóa từ các nước gây tác động lớn về môi trường sẽ phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn. Bất bình đẳng hệ sinh thái môi trường là một thách thức lớn của thời đại và theo các chuyên gia, biện pháp này sẽ cải thiện hiệu quả trên toàn chuỗi cung ứng, tức là có thể cải thiện các vấn đề môi trường ở mọi nơi.