Trình bày báo cáo kết quả (tóm tắt) tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH nhận định, các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Trong giai đoạn này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, xã hội quan trọng: tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng, các mặt của đời sống xã hội, kinh tế nông nghiệp nông thôn có những bước khởi sắc.
Bên cạnh đó, nhiều hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan cũng đã được chỉ rõ qua hoạt động giám sát.
Lệch pha giữa giải ngân với kế hoạch, chất lượng chuẩn bị dự án thấp
Từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua, có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương có những dự án tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài rất thấp so với tổng mức đầu tư của dự án. Việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi ngân sách so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định.
Từ năm 2016, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật NSNN, vốn nước ngoài phải giải ngân theo kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khi kế hoạch này chưa sát với tiến độ thực hiện dự án dẫn đến nhiều vướng mắc. Như vậy, nếu cho phép các dự án giải ngân theo tiến độ thì sẽ dẫn đến giải ngân vượt hạn mức kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 rất lớn, không bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Công tác chuẩn bị dự án còn nhiều hạn chế, báo cáo nghiên cứu khả thi thường phải điều chỉnh nhiều lần, có những dự án chuẩn bị và thực hiện trong nước kéo dài vài năm, dẫn đến không còn tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu không còn phù hợp.
Đặc biệt, hiệu quả sử dụng nguồn lực ODA ở một số dự án chưa cao. Một số dự án chậm tiến độ đi đôi với việc tăng tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư tăng cao, tổng chi phí phải trả để đạt được mục tiêu lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, công nghệ trở nên lạc hậu do chậm tiến độ.
“Việc sử dụng vốn vay chưa phù hợp, đầu tư thiếu tính toán căn cơ, một số dự án hoàn thành nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải thẳng thắn bình luận. Có nhiều chương trình trùng mục tiêu cùng thực hiện trên một địa bàn như: chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình dạy nghề lao động nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình nông thôn mới, chương trình 135…
Cá biệt, có dự án đầu tư không những không mang lại hiệu quả mà còn để lại một khoản vay lớn, không có khả năng trả nợ và số lãi thì ngày một tăng.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đề nghị “kiên quyết giữ tỷ lệ bội chi, không cho phép vượt trần tổng mức vốn đầu tư từ nguồn NSNN, giữ vững an ninh tài chính quốc gia, chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn đã được Quốc hội quyết định tại các nghị quyết”.
Đối với Chính phủ, cần xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, với điều kiện nguồn vốn ODA, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam đang giảm dần. Từng bước giảm tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tập trung vay vốn ODA để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.
Cần tuân thủ nghiêm các quy định tại các nghị quyết và các văn bản pháp luật liên quan để điều hành việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài theo hướng không được vượt tỷ lệ bội chi và mức trần tổng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 2 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, giữ vững chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định - Trưởng đoàn giám sát đề xuất.
ODA: Tưởng rẻ mà hóa đắt! Theo Báo cáo giám sát được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, việc giám sát chuyên sâu về quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa được tiến hành thường xuyên. Với Chính phủ, tuy đã có nhiều nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý và công tác quản lý, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả của một số dự án, công trình đạt được chưa tương xứng với chi phí và nghĩa vụ nợ nhà nước phải trả trong tương lai. Công tác quản lý, điều hành nợ công còn thiếu tính phối hợp, thống nhất. Báo cáo thẳng thắn phê bình Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong khâu xây dựng kế hoạch, chưa báo cáo kịp thời với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về tình trạng huy động hiện nay đã vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong khi đó, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết đối với các khoản vay ODA, vay ưu đãi của WB/ADB, tổ chức đàm phán, ký kết thoả thuận vay nước ngoài theo phân công của Chính phủ; phối hợp cùng các bộ hữu quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm này. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến số liệu có sự chênh lệch trong công tác báo cáo về thực trạng huy động, giải ngân vốn ODA, báo cáo giám sát nêu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn Phản hồi về Báo cáo giám sát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, vừa qua, thời gian chuẩn bị của các dự án ODA đúng là dài, kém hiệu quả. Tới đây, Bộ này sẽ nghiên cứu, ban hành hướng dẫn để lồng ghép các khâu chuẩn bị, làm trước một số việc ngay sau khi khoản vay được phê duyệt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiệu quả các sử dụng vốn vay ODA – thường là đa mục tiêu, trong đó ý nghĩa xã hội lớn – nên không thể tính toán như các dự án kinh doanh thông thường. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng thì cho rằng, bản thân các dự án ODA thường có thêm những ràng buộc khá chặt về công nghệ, nhà thầu, tư vấn… nên đôi khi “tưởng rẻ mà hoá đắt”. “Đây là vốn vay, chúng ta phải trả chứ không phải được cho không, thế nên cần phải dự toán thật sát, tỉnh táo khi đàm phán”, ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chia sẻ quan điểm này và cho rằng, Việt Nam dường như đang vay quá nhiều so với khả năng hấp thụ. So sánh với mức vay ODA bình quân của một số nước, ông Dũng đề xuất định hướng giảm dần vay vốn ODA tiến đến không phụ thuộc vào nguồn vốn này. Về nhận định của ông Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bình luận: “Ý kiến của anh Dũng rất hay, nhưng làm được thì rất là gay”. Theo ông Phùng Quốc Hiển, trong điều kiện thu ngân sách của ta còn hạn hẹp, yêu cầu đầu tư phát triển rất lớn thì vay ODA vẫn là cần thiết, vấn đề là cần đánh giá đúng để cân đối vốn vay phủ hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế… Tham dự phiên họp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu ra 2 kiến nghị. Liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc ký phê chuẩn các hiệp định vay vốn, Phó Chủ tịch nước nói: “Hiện nay việc Chủ tịch nước ký phê chuẩn chỉ là hoàn thiện về mặt thủ tục, chứ quá trình đàm phán thế nào và sau đó sử dụng như thế nào thì chưa rõ. Đề nghị quy định cơ chế báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch nước trước và sau khi vay ODA”. Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch nước, sự chênh lệnh giữa các vùng miền, địa phương trong phân bổ ODA đang càng ngày càng rõ. Cần chú ý tính công khai, công bằng và hợp lý trong khâu này. |