Tồn hàng triệu tấn
Tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, hiện còn gần 11 triệu tấn tro xỉ phát sinh và tồn tại đang được xử lý bằng cách chôn lấp các bãi chứa. Trong đó, bãi chứa tro xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng (thể tích chứa khoảng 9,3 triệu tấn) nay đã lưu trữ khoảng 7,4 triệu tấn. Còn bãi chứa tro xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 1 có diện tích gần 60ha, sức chứa theo thiết kế khoảng 7,5 triệu tấn. Nhà máy này bắt đầu đổ tro xỉ từ tháng 4-2018, đến nay chỉ sau hơn 3 năm đã lưu chứa khoảng hơn 3 triệu tấn.
Tại miền Bắc, trung bình mỗi năm NMNĐ Mạo Khê (Công ty Nhiệt điện Đông Triều, Quảng Ninh) thải khoảng 650.000 tấn tro xỉ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 17% lượng tro xỉ của nhà máy này được sử dụng sản xuất vật liệu không nung và làm phụ gia xi măng.
Hay như tại Trà Vinh, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết, tổng lượng tro xỉ phát sinh của 3 nhà máy là khoảng 6,69 triệu tấn. Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã ký hợp đồng với 10 đơn vị tiêu thụ tro xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1; 2 đơn vị tiêu thụ tro xỉ của NMNĐ Duyên Hải 3; 5 đơn vị tiêu thụ tro xỉ của NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng. Tổng khối lượng tro xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1 đã tiêu thụ đến tháng 2-2021 gần 2,5 triệu tấn; NMNĐ Duyên Hải 3 khoảng 595.439 tấn và NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng trên 50.000 tấn. Ngoài ra, công ty cũng đã bàn giao tro xỉ cho UBND thị xã Duyên Hải theo chương trình hỗ trợ xây dựng trường mẫu giáo xã Dân Thành, với khối lượng 90.221 tấn.
Theo NMNĐ Vĩnh Tân 2, chỉ vài tháng nữa, tro xỉ không biết phải đổ đi đâu. Tháng 10-2019, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân (thuộc NMNĐ Vĩnh Tân 2) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thông Thuận, chuyển giao 547.000 tấn tro xỉ để san lấp mặt bằng. Sau đó, do vướng một số thủ tục nên vẫn chưa thể thực hiện.
Cùng với đó, NMNĐ Vĩnh Tân 2 cũng đã xin UBND tỉnh Bình Thuận cho phép sử dụng 300.000 tấn tro xỉ để san lấp mặt bằng khu vực mỏ đá Hang Cò để giảm tải bãi chứa. Đến nay, Bộ Xây dựng đã có công văn hướng dẫn một số nội dung liên quan đến phương án trên, riêng Bộ TN-MT thì chưa có văn bản hướng dẫn.
Năm 2019, sau khi Bộ GTVT có văn bản về việc sử dụng tro xỉ than làm vật liệu đắp nền các dự án xây dựng giao thông ở tỉnh Bình Thuận, trong đó có việc xây dựng đường cao tốc, đã khiến các NMNĐ vui mừng vì có thể giải quyết lượng tro xỉ tồn ứ. Tuy nhiên, dù đã có đầy đủ các chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn, nhưng Ban Quản lý dự án Thăng Long sau khi chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, áp dụng thì có văn bản đề nghị chưa sử dụng tro xỉ làm vật liệu đắp nền đường cao tốc.
Trước đây, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã cấp phép, giao mặt bằng cho một đơn vị làm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ than, nhưng sau đó, đơn vị này mới chỉ xây dựng nhà xưởng rồi bỏ đi luôn. Thống kê của Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cho thấy, trong năm 2020, khối lượng tro xỉ phát sinh được các NMNĐ chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu ở mức rất thấp: NMNĐ Vĩnh Tân 1 chỉ đạt khoảng 27%, Vĩnh Tân 2 đạt khoảng 54% và Vĩnh Tân 4 đạt 34%.
Liên quan đến 400 hộ dân nằm cách Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 80m thuộc xóm 7, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), UBND tỉnh Bình Thuận đang đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ, cấp kinh phí để làm khu tái định cư, đưa người dân sang nơi ở mới, nhằm ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. |
Hợp quy chuẩn vẫn khó tiêu thụ
Câu hỏi đặt ra, tro xỉ than sau khi được các cơ quan của trung ương đánh giá và chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn để làm vật liệu san lấp, làm nền đường ô tô, phụ gia khoáng cho bê tông…, nhưng đến nay tại sao nhiều đơn vị vẫn chưa mặn mà với nguồn nguyên liệu được cho không này?
Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng, tro xỉ than khó tiêu thụ một phần là do người dân còn có tâm lý e dè, chưa tin tưởng vào sự an toàn khi sử dụng.
Còn ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này kiến nghị, nếu cần thiết thì có thể lấy ý kiến của Bộ Y tế xem tro xỉ than khi làm vật liệu san lấp có hại không. Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các tỉnh lân cận tỉnh Bình Thuận hỗ trợ, khuyến khích việc sử dụng tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đã được hợp chuẩn, hợp quy làm vật liệu xây dựng. Có như vậy mới có thể góp phần giảm tải lượng tro xỉ đang tồn ngày càng nhiều tại các bãi chứa.
Tại Đắk Nông, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R’Lấp) Nguyễn Văn Thành cho biết, ngay khi nhận phản ánh của người dân về bụi tro xỉ than, xã đã liên hệ với Công ty nhôm Đắk Nông để tìm hiểu. Phía công ty nhôm đã cung cấp nhiều văn bản, trong đó có các giấy chứng nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng nhận xỉ than tro bay được phép làm vật liệu san lấp mặt bằng và an toàn với môi trường.
Ông Đào Xuân Trung, Trưởng phòng An toàn môi trường của Công ty Nhôm Đắk Nông cũng cung cấp cho chúng tôi nhiều giấy chứng nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận xỉ than, tro bay được làm vật liệu san lấp mặt bằng. “Xỉ than tro bay đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận là vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp mặt bằng thì đảm bảo không độc hại, an toàn với môi trường”, ông Trung khẳng định. Ông Trung cũng cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động, đơn vị đã ký kết hợp đồng thu gom xỉ than, tro bay với 2 đơn vị là Công ty CP Đức Thành và Công ty CP Công nghiệp Đắk Nông - DNI (Công ty DNI). Trung bình mỗi ngày, 2 đơn vị này thu gom khoảng hơn 100 tấn xỉ than.
Trong khi đó, đại diện NMNĐ Vĩnh Tân 2 cho biết, sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, phía công ty sẽ cung cấp miễn phí và hỗ trợ thêm kinh phí cho các đối tác có nhu cầu tiêu thụ tro xỉ. “Việc cung cấp sẽ không hạn chế về số lượng, các đơn vị có thể lấy tro xỉ tùy ý, bao nhiêu cũng được”, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, thông tin. Dù điều kiện “ưu đãi” như vậy, nhưng hầu như việc tiêu thụ tro xỉ than vẫn giậm chân tại chỗ.
Tại Trà Vinh, trao đổi với PV SGGP, đại diện NMNĐ Duyên Hải khẳng định, thành phần tro xỉ của các nhà máy đều đạt giá trị ứng dụng làm phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng theo TCVN 10302:2014, làm vật liệu san lấp theo TCVN 12249:2018, làm gạch không nung…
Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, tình hình hoạt động của NMNĐ Duyên Hải diễn ra bình thường, được giám sát rất chặt chẽ bởi hệ thống giám sát từ chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, người dân. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 tháng có xảy ra sự cố kỹ thuật khói bay ra ngoài, nhưng được phát hiện kịp thời và xử lý ngay.
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng môi trường trên địa bàn, ông Hẳn cho rằng, vẫn trong điều kiện cho phép, hệ thống chắn bụi tốt. Vừa qua tỉnh Trà Vinh cũng đã họp về Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch điện quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045), tỉnh không đồng tình với việc mở thêm NMNĐ do 3 NMNĐ đang hoạt động đã đáp ứng được yêu cầu. Do đó, thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió.
Tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro xỉ lưu tại bãi chứa của các NMNĐ than còn khoảng 47,65 triệu tấn; tổng lượng tro xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước khoảng 44,5 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm. Thực tế cho thấy, tro xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng, ước khoảng 24 triệu tấn, chiếm 70%; sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn, chiếm 12%; phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông và công trình xây dựng dân dụng ước khoảng 3 triệu tấn, chiếm 8%; và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn, chiếm 9%. |