Hiện nay ở nhiều địa phương, vấn đề quản lý và xử lý xỉ than chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng xả đổ xỉ than ra môi trường, vận chuyển xỉ than không đúng cách gây ô nhiễm bụi, chưa kể những sự cố tràn nước từ bãi xỉ ra ngoài vẫn thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, ở nhiều nơi, sản xuất và môi trường sống cũng bị ảnh hưởng từ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than.
Bụi xỉ khắp nơi
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi quay lại khu vực các hộ dân sống gần các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ), bãi chứa tro xỉ (bụi xỉ than) thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Tỉnh Bình Thuận hiện có 4 NMNĐ tập trung tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với tổng công suất trên 4.200MW, gồm: Vĩnh Tân 1, 2, 4 và 4 mở rộng. Đây là một trong những trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước.
Tại khu vực 2 bãi chứa tro xỉ của 4 NMNĐ Vĩnh Tân, người dân sống gần nơi đây hiện yên tâm phần nào vì tình trạng bụi từ các bãi tro xỉ đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, nhìn cảnh tượng bãi chứa tro xỉ đã cao hơn so với mặt đường hàng chục mét, ai cũng phải e ngại. “Trước đây thì bụi kinh hoàng, có hôm tôi chạy xe ban đêm còn không nhìn thấy đường vì bụi giăng kín. Thời gian gần đây, tình trạng bụi đã đỡ nhiều, lâu lâu gió lớn thì có bụi nhẹ. Tuy nhiên, sắp tới vào mùa gió lớn thì chưa biết thế nào?”, ông T.V.Đ. (ngụ thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân) nói.
Theo ghi nhận tại các bãi chứa tro xỉ than của các NMNĐ, bãi chứa của NMNĐ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với NMNĐ Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng được chôn lấp, phủ bạt, phun nước liên tục nên ít có hiện tượng bụi phát tán. Còn tại bãi chứa của NMNĐ Vĩnh Tân 1, mỗi khi có gió lớn thì bụi vẫn cuốn lên bay ra khỏi bãi chứa.
Trong khi tình hình phát tán bụi tại các bãi chứa tro xỉ cơ bản được kiểm soát thì người dân sống gần các NMNĐ vẫn đang phải sống trong cảnh ô nhiễm tiếng ồn và bụi. Nằm cách hàng rào NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ khoảng 80m là khu vực xóm 7, thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân), nơi được xem là khu vực chịu ảnh hưởng ô nhiễm nặng nề nhất từ khi các NMNĐ đi vào hoạt động. Tại đây đang là nơi cư ngụ của khoảng 400 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống bằng nghề biển.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều căn nhà nơi đây được giăng những tấm màn vải, lưới mắt nhỏ để ngăn bụi bay vào nhà. Chị N.T.T. cùng 4 người bạn (ngụ xóm 7) cho biết: “Hơn 5 năm qua, từ khi NMNĐ đầu tiên nơi đây đi vào hoạt động, đời sống của bà con trong xóm bị đảo lộn vì phải sống chung với bụi và tiếng ồn. Hiện tại, mặc dù mức độ ô nhiễm bụi và tiếng ồn có giảm hơn so với trước đây, nhưng tình hình vẫn còn rất đáng lo. Khi trời im gió thì xuất hiện bụi đen, còn gió lớn thì bụi trắng mịn”. Như để minh chứng cho lời nói của mình, chị T. lấy tay chà nhẹ vào bộ bàn ghế đá của gia đình đang nằm ở góc sân. Lập tức lòng bàn tay của chị đang trắng liền chuyển sang màu đen vì bụi.
Do kinh doanh tạp hóa nên căn nhà của bà Võ Thị Sẻ (ngụ xóm 7) lúc nào cũng phải mở cửa. “Khổ lắm, cứ 10-15 phút là tôi phải quét nhà, tạt nước trước ngõ một lần. Nhà tôi giờ phải dùng tôn che kín mít hết, chỉ chừa cái cổng nhỏ cho khách vào mua hàng, vậy mà bụi vẫn nhiều lắm”, bà Sẻ kể. Nhiều người dân như chị T., bà Sẻ còn cho biết, không chỉ có bụi, tiếng ồn từ hoạt động của các NMNĐ phát ra rất khó chịu. “Trước đây có thời điểm tiếng ồn đinh tai nhức óc, bây giờ chỉ đỡ hơn chút. Tầm 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều, và từ 9 giờ tối đến rạng sáng hôm sau là tiếng ồn phát ra. Chúng tôi làm nghề đi biển, những thời điểm này cần phải được nghỉ ngơi, nhưng có hôm không tài nào ngủ được” chị T. bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc bụi và tiếng ồn vẫn đang gây tác động thì tình trạng người dân, nhất là trẻ nhỏ ở khu vực xóm 7, thường xuyên bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp là vấn đề đáng lo ngại.
Thay đổi hệ sinh thái biển?
Không chỉ ảnh hưởng đến không khí, tại khu vực Bậc Lở, thuộc thôn Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Tân), xảy ra tình trạng sạt lở, hệ sinh thái gần bờ biển đang bị biến dạng. Theo người dân địa phương, khu vực Bậc Lở trước đây không chỉ có nguồn lợi thủy sản rất phong phú mà còn có hệ san hô trải dài tuyệt đẹp. “Từ khi các NMNĐ nơi đây đi vào hoạt động thì không những tôm, cá ngày càng ít đi mà những rạn san hô ven bờ cũng đã không còn. Trước đây, người dân chúng tôi còn làm nghề nuôi rong biển, bẫy tôm hùm con, nhưng giờ thì không nuôi được nữa, tôm hùm con ngày càng ít đi”, ông Nguyễn Tuấn (xã Vĩnh Tân), chia sẻ.
Trong khi đó, nằm cách Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng hơn 10km, Khu bảo tồn biển Hòn Cau (xã Vĩnh Tân) cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Khu vực này là nơi sinh sống và là bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng. Trong đó có rùa biển và quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2km với 234 loại san hô, 34 loài thủy sinh vật quý hiếm. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống san hô quanh khu vực đảo Hòn Cau đã bị suy giảm một cách rõ rệt.
Từng có thời gian hơn 10 năm công tác tại Hòn Cau, ông T.L. cho biết: trước khi có các NMNĐ, nơi đây san hô có độ phủ lên tới 60-70%, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 40%. “Hiện tại, san hô trên đảo Hòn Cau chỉ còn phát triển ở khu vực phía Đông Bắc (mặt hướng ra biển Đông, thuộc Hòn Một), còn các khu vực bên hông đảo và mặt nằm đối diện với đất liền thì đã bị sụp xuống, chết hết”, ông L. thông tin. Ngoài ra, năm 2019, Viện Hải dương học Nha Trang đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức di dời dải san hô nằm trước khu vực biển các NMNĐ Vĩnh Tân đưa ra Khu bảo tồn biển Hòn Cau để tái sinh. Vậy nhưng đến nay, toàn bộ những dải san hô này đã không còn tồn tại.
Tại khu vực NMNĐ Duyên Hải (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) một số hộ dân cho biết trồng lúa hay nuôi tôm gần đây đều không đạt năng suất. Chú Tư Trống (xã Dân Thành) nói: “Nếu 3 năm trước, ruộng dưa hấu của tôi khoảng 3.000m2, thu hoạch trên chục tấn. Từ khi NMNĐ Duyên Hải đưa vào vận hành tới giờ, năng suất giảm phân nửa. Chỉ cần quan sát từ 1 đến 2 tuần là thấy bụi đen bám trên ruộng dưa hấu khá nhiều, nhưng không biết đây có phải là nguyên nhân chính hay không?”.
Cách nhà chú Tư Trống, hướng đi về điểm du lịch biển Ba Động (xã Trường Long Hòa) khoảng 3km, người dân nơi đây nuôi tôm rất nhiều. Chú Tư Đề (xã Trường Long Hòa) phản ánh: trong một số buổi sáng đi thăm vuông tôm thì thấy bụi đen, bám trên bờ, đóng màn trên mặt nước. Con tôm rất nhạy cảm, nên đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tôm chậm lớn, rủi ro cao… còn trong bụi đó có độc tố không thì không biết. “Quá trình canh tác hàng năm của gia đình tôi, nếu diện tích 3ha tôm nuôi theo hình thức công nghiệp, trong 75 ngày sản lượng đạt khoảng 17 tấn. Từ khi nhà máy vận hành thì tôm nuôi chậm lớn, từ 90-100 ngày mới thu hoạch, mà chỉ đạt khoảng chục tấn”, chú Tư Đề cho biết.
Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước có 25 NMNĐ đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm từ 80% đến 85%. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, chiếm 65%, miền Trung chiếm 23% và miền Nam chiếm 12% tổng lượng thải. Trong số này, lượng tro xỉ phát thải từ 13 NMNĐ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 8,57 triệu tấn, chiếm 64% tổng lượng phát thải của cả nước. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam có 6 nhà máy với lượng tro xỉ phát thải là 2,05 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải và 1 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 0,784 triệu tấn chiếm khoảng 6% tổng lượng tro xỉ phát thải. Cùng với đó là 5 nhà máy của các chủ đầu tư BOT và các chủ đầu tư khác phát thải khoảng 2 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải của cả nước. |