Thói quen khó bỏ
Những ngày trước Tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán, tiêu dùng hàng hóa tăng cao, nên nhiều chợ tự phát ở ven đường, vỉa hè, bãi đất trống trước cổng nhà máy… cũng xuất hiện. Người dân, công nhân thích đi chợ tự phát vì tiện lợi, giá rẻ, dừng xe bên đường cũng có thể mua hàng. Tuy nhiên, điều đáng lo là chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, không đảm bảo vệ sinh.
Nhiều tuần nay, tuyến đường Dương Quảng Hàm (phường 5, 7, quận Gò Vấp, TPHCM) bụi đất tung mù do người dân tháo dỡ nhà cửa để mở rộng đường, nhưng chợ tự phát trên đường Dương Quảng Hàm (gần giao lộ Dương Quảng Hàm - Nguyễn Thái Sơn) vẫn nhóm họp. Chiều về, các gian hàng bán rau quả, thịt heo, cá tươi tấp nập người mua kẻ bán. Mấy chị bán rau quả thi thoảng xịt nước làm trôi lớp bụi, giữ màu xanh cho rau. Còn thịt heo thì phơi giữa nắng bụi, người bán thi thoảng phe phẩy quạt đuổi ruồi. Người mua hàng dừng xe tùy ý, tấp vào mua thịt, rau quả.
Càng về cuối giờ chiều, chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) đông dần lên. Một số người bán rau quả, thịt heo, thịt dê đứng ra đường mời chào, chèo kéo người đi đường mua hàng. Chị Nguyễn Thị Bích, nhà ở Khu dân cư Bình Hòa chia sẻ, biết thịt heo bày bán bên vỉa hè không đảm bảo vệ sinh nhưng chị quen mua ở đây rồi. Trên đường đi làm về, chỉ mấy phút dừng xe là có thể mua đủ thịt cá, rau quả cho gia đình. Nhiều người mua hàng cho biết, trên đường cũng có cửa hàng tiện lợi nhưng vì ngại gửi xe nên ít vào mua. Hàng hóa ở chợ có những mặt hàng giá rẻ hơn cửa hàng tiện lợi, thậm chí 5.000-10.000 đồng cũng mua được.
Tại các khu vực vùng ven, nơi có nhiều công nhân lao động sinh sống như phường Trường Thạnh, Linh Trung, Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TPHCM), các chợ tự phát càng tấp nập, người mua kẻ bán đông hơn. Chợ tự phát trên đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, kéo dài hàng trăm mét, quy mô cả trăm sạp hàng lớn nhỏ. Hàng hóa ở chợ tự phát không chỉ có rau củ quả, thịt cá mà có nhiều điểm còn bán gà, vịt sống.
Anh Nguyễn Văn Phúc (nhà trên đường Tam Phú, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, khách hàng thường xuyên của chợ tự phát) chia sẻ, gia đình anh thích mua hàng ở chợ tự phát trên đường Hiệp Bình do được tự tay chọn lựa gà, vịt ưng ý. Người mua chỉ chờ 5-7 phút là có gà, vịt tươi mang về. Những lần xảy ra dịch cúm gia cầm, dù chính quyền cấm bán nhưng đến chợ vẫn mua được gà, vịt sống.
Khó quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm
Theo Thông tư 10/2023 của Bộ Y tế về quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, UBND phường, xã; trạm y tế phường, xã chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn. Thực tế, việc kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các chợ tự phát còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường 5 (quận Gò Vấp, TPHCM), thừa nhận, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với chợ tự phát, hàng rong là công việc khó ở địa phương. Theo quy định, để được kinh doanh mặt hàng tươi sống, chủ quầy bán thịt heo phải đáp ứng các điều kiện thịt được đóng gói, giữ trong ngăn lạnh…
Thực tế, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy các điểm kinh doanh thịt heo ở chợ tự phát chưa đạt yêu cầu. Vì nhu cầu tiêu dùng của người dân, phường không thể đóng cửa chợ tự phát, không cho bán thịt heo. Biện pháp phường áp dụng là thường xuyên kiểm tra, yêu cầu người bán chấp hành quy định và xử phạt người mua hàng đứng giữa đường, cản trở giao thông, nhằm thay đổi dần thói quen của người dân, tiến tới xóa bỏ chợ tự phát.
Bà Lê Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND phường 13 (quận Bình Thạnh, TPHCM), thông tin, để kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm, phường vận động người dân đăng ký hộ kinh doanh và viết bản cam kết bán hàng có nguồn gốc rõ ràng, đúng trọng lượng. Thế nhưng, có hộ kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận đã lấy nguồn thịt heo trôi nổi trên thị trường. Qua kiểm tra, phường 2 lần phát hiện chủ sạp hàng bán thịt heo không có nguồn gốc, đã lập biên bản và xử lý nghiêm.
Cán bộ ở nhiều phường, xã cho biết, nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, không ít hộ kinh doanh đã rời chợ tự phát, chuyển sang bán hàng di động. Người bán cải tạo xe máy, xe tải nhỏ và ô tô để làm điểm bán hàng, với đầy đủ rau củ quả đến cá, thịt và gà, vịt sống. Các xe bán hàng thường đi vào các khu dân cư, dừng ở cổng nhà máy, xí nghiệp vào giờ tan tầm. Mỗi khi thấy cơ quan chức năng xuất hiện, họ chạy xe sang nơi khác. Chất lượng hàng hóa, thực phẩm được bán tại những xe này không được kiểm soát.