Bất an với thực phẩm “bẩn”

Không gây ra ngộ độc cấp tính, nhiều loại thực phẩm “ngậm” hóa chất tích tụ trong cơ thể người tiêu dùng và phát bệnh sau nhiều năm. Những tổn hại sức khỏe này rất khó xác định nguyên nhân hay “chỉ mặt, đặt tên”.

Cơ quan chức năng giám sát an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức, TPHCM
Cơ quan chức năng giám sát an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức, TPHCM

Giá đỗ ngâm hóa chất đội lốt “vì sức khỏe”

Những ngày qua, dư luận bàng hoàng khi Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện nhiều cơ sở sản xuất giá đỗ bằng chất cấm dùng trong thực phẩm. Những đối tượng này khai nhận, đã bán ra thị trường 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất 6-Benzylaminopurine (6-BA) trong năm 2024, trung bình khoảng 8-10 tấn/ngày. Trong đó, cơ sở Lâm Đạo ký hợp đồng cung ứng giá đỗ cho cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Đắk Lắk từ 350-400kg/ngày.

Trên bao bì giá đỗ của cơ sở này in nội dung: “Không hóa chất, không chất kích thích, không chất bảo quản, vì sức khỏe của mọi người”. Ngay sau đó, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ sản phẩm của nhà cung cấp Lâm Đạo. Đồng thời, tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi cung ứng.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, 6-BA là chất kích thích tăng trưởng thực vật, chủ yếu dùng ở dạng phun trước khi cây tạo quả hoặc để ngâm hạt. Hóa chất 6-BA có độc tính cấp không cao nhưng gây kích ứng mắt, kích ứng da và kích ứng hô hấp khi tiếp xúc với nồng độ cao. Trong khi đó, độc tính lâu dài của 6-BA trên người vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng có thể ảnh hưởng đến sự sinh sản và phát triển của một số động vật.

Giá đỗ ngâm hóa chất 6-BA không còn là chuyện lạ. Vài tháng trước, 2 đối tượng tại Quảng Ngãi đã bị khởi tố vì hành vi tương tự. Gian thương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng những tác hại lâu dài với sức khỏe người tiêu dùng thì chưa thể đo lường. Theo BS Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thông thường, ngộ độc thực phẩm xảy ra do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, gây ra triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị ngộ độc do tiêu thụ lâu dài thực phẩm nhiễm hóa chất với nồng độ quá mức cho phép.

Thực phẩm càng đa dạng càng tiềm ẩn nguy cơ

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận, vào thời điểm cận tết, tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) luôn diễn biến phức tạp. Nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao đột biến cũng là cơ hội để kẻ gian trà trộn thực phẩm kém chất lượng vì mục đích lợi nhuận. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn xâm hại quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. “Việc phát hiện và xử lý các vụ vi phạm về ATTP là cảnh báo quan trọng và rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân”, vị chuyên gia chia sẻ.

$4c.jpg
Một cơ sở sử dụng chất cấm để sản xuất giá đỗ bị Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện

Trong đó, nguy cơ cho người dùng rất cao khi tiêu thụ các loại thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ, hàng trôi nổi, hàng rong... Thậm chí, các loại đồ ăn gắn mác “handmade, đồ ăn nhà làm”, rượu ngâm rễ cây, rượu không nguồn gốc buôn bán rầm rộ trên mạng cũng hiển hiện mối nguy cho sức khỏe, thậm chí tính mạng. Nhiều vụ ngộ độc rượu gây chết người thời gian qua là những bài học đắt giá.

Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, điều khiến ông lo ngại là tình trạng nhiễm độc trường diễn từ thực phẩm bẩn. Nghĩa là, chất độc tích tụ lâu dài trong cơ thể người tiêu dùng rồi sau nhiều năm mới biểu hiện thành bệnh tật. Khi đó, rất khó xác định chính xác nguyên nhân và loại độc tố gây bệnh. Ông phân tích, người tiêu dùng hiện nay khá dễ tính, dễ tin vào lời quảng cáo, đôi khi không quan tâm đến chuyện cơ sở có chứng nhận về ATTP hay không, quá trình sản xuất thế nào.

“Thực phẩm càng đa dạng bao nhiêu thì nguy cơ phức tạp bấy nhiêu. Đặc biệt hiện nay, đồ ăn bán online rầm rộ, giá rẻ, hình ảnh bắt mắt. Nhiều mặt hàng như khô bò, khô gà nhà làm ngâm tẩm gì chúng ta không biết chính xác được. Người tiêu dùng cần hiểu rằng, thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn”, PGS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan chức năng không thể kiểm soát tất cả những cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm cố ý vi phạm, thủ đoạn tinh vi. Do vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn các sản phẩm uy tín, có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, hỗ trợ báo tin đến cơ quan chức năng những đối tượng, cơ sở có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật cũng như quy định về ATTP.

Lập 5 đoàn liên ngành trung ương kiểm tra an toàn thực phẩm Tết 2025

Nhằm đảm bảo ATTP trong dịp tết và lễ hội Xuân 2025, phục vụ nhân dân đón tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP vừa quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TPHCM, Đồng Nai, Trà Vinh và Sóc Trăng. Đồng thời, tại địa phương cũng lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường. Thời gian kiểm tra của các đoàn liên ngành trung ương và địa phương kéo dài đến hết ngày 25-3-2025.

MINH KHANG

TPHCM kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm mặt hàng giá đỗ

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, trong chiều 27-12, Thanh tra Sở ATTP và các phòng nghiệp vụ đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy trình đảm bảo chất lượng tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tập trung vào mặt hàng giá đỗ. Giám đốc Sở ATTP TPHCM nhấn mạnh, việc kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm được thực hiện thường xuyên trong năm, không phải khi xảy ra sự vụ mới triển khai. Liên quan đến công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2025, Sở ATTP TPHCM đã thành lập các đoàn kiểm tra và thực hiện từ nay đến ngày 25-3-2025.

Tin cùng chuyên mục