Bất chấp sức khỏe người dùng
Mới đây, Công an TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã khởi tố ông Vũ Văn Tuấn (29 tuổi) và ông Đào Văn Lập (35 tuổi) về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đây là chủ của 2 cơ sở sử dụng chất kích thích tăng trưởng thực vật để sản xuất giá đỗ, cung ứng ra thị trường hàng trăm kg giá đỗ mỗi ngày.
Tháng 3-2024, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt và đình chỉ hoạt động 2 cơ sở này do dùng hóa chất 6-Benzylaminopurine (6-BA) để sản xuất giá đỗ, nhằm làm sản phẩm đẹp và bắt mắt hơn so với phương pháp truyền thống. Vừa hết hạn phạt, “ngựa quen đường cũ”, 2 cơ sở trên lại vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người dùng.
Khảo sát nhanh tại TPHCM cho thấy, một số người tiêu dùng đang có tâm lý chọn loại giá đỗ có hình dáng “xấu, gầy” thay vì “giá không chân, tròn, mập” vì cho rằng an toàn hơn. Theo bà N.T.P. (chủ một quầy rau tại TP Thủ Đức), cơ sở sản xuất trồng giá đỗ bằng hóa chất hay không thì người bán lẻ lẫn người mua không thể biết.
“Tôi lấy hàng chỗ quen, giá cả tốt, mẫu mã đẹp, tin tưởng nhau là chính”, bà P. nói. Trong khi đó, chủ một sạp hàng khác khẳng định, lấy giá đỗ từ Bình Định gửi vào TPHCM nên giá bán cao hơn. “Loại giá đỗ này được gieo ủ ở cát ven sông nên rất sạch và an toàn. Làm giá đỗ phải có kỹ thuật tốt, nếu không sẽ bị hỏng hoặc xấu, khó bán”, người này cho hay.
Hiện nay, không có kit test nhanh để xác định hóa chất trong giá đỗ; phổ biến là các kit test dư lượng thuốc trừ sâu trong hoa quả, hàn the, phẩm màu, formol, nitrit, methanol trong rượu… Theo PGS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cơ quan quản lý luôn giám sát nguy cơ, lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các mặt hàng thực phẩm, rau củ, bao gồm cả giá đỗ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, TPHCM không đợi vụ việc xảy ra ở địa phương khác mới phản ứng mà công tác giám sát, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Ẩn họa từ chất cấm dùng trong thực phẩm
Hóa chất 6-BA từng rộ lên ở TPHCM vào năm 2016 dưới dạng các ống hóa chất màu trắng, bao bì có chữ Trung Quốc. Khi đó, hàng loạt cơ sở làm giá đỗ bằng hóa chất này bị phát hiện.
Theo một nghiên cứu vào năm 2020 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, 6/6 mẫu giá đỗ được thu thập đều có sự hiện diện của 6-BA. Đây là chất kích thích tăng trưởng thực vật, chủ yếu dùng ở dạng phun trước khi cây tạo quả hoặc để ngâm hạt, hoàn toàn không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, nhấn mạnh, cần ngăn cấm triệt để hành vi sử dụng các chất cấm trong thực phẩm.
Dẫn chứng thông tin từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng, hóa chất 6-BA có độc tính cấp không cao nhưng gây kích ứng mắt, kích ứng da và kích ứng hô hấp khi tiếp xúc với nồng độ cao, chủ yếu do tiếp xúc nghề nghiệp. Trong khi đó, độc tính lâu dài của 6-BA trên người vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng có thể ảnh hưởng đến sự sinh sản và phát triển của một số động vật.
ThS-BS CK1 Lê Thuận Linh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện TP Thủ Đức, cho hay, giá đỗ “ngậm” hóa chất 6-BA dù được rửa nhiều lần cũng khó loại bỏ hết vì chất này không tan trong nước.
“Khi phun xịt chất này cho cây trồng, người nông dân được khuyến cáo phải bảo hộ kỹ càng để tránh gây kích ứng. Như vậy, nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người, còn mức độ đến đâu thì chưa được nghiên cứu cụ thể, chưa thể biết người dùng phải nhận hậu quả hay bệnh tật lâu dài ra sao. Vì thế, cần cẩn trọng”, BS Lê Thuận Linh nói.
Về quan điểm giá đỗ ngậm hóa chất là “giá không chân, không rễ”, bác sĩ này cho rằng cần xem xét lại, vì khi làm đúng kỹ thuật, giá đỗ thủ công vẫn có hình dáng đẹp và ít rễ. Do vậy, việc dùng cảm quan để phán đoán giá đỗ có hóa chất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những cơ sở sản xuất và tiểu thương chân chính.
Năm 2019, TAND quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức, TPHCM) đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Sáng 1 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định an toàn thực phẩm” do ngâm củ cải bằng hóa chất Sodium Sulfate (Na2SO4). Đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng tại TPHCM truy tố, xét xử hành vi này. Năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 1 cơ sở tại quận 8 (TPHCM) sử dụng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc. Năm 2023, Công an TP Đà Nẵng phát hiện 2 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất kích thích tăng trưởng 6-BA.