Chỉ riêng tại tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2024 tới nay đã xảy ít nhất 3 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 300 người phải nhập viện. Mới đây nhất, vào cuối tuần qua, một học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Vĩnh Trường ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã tử vong, nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà tại một quán ăn trên địa bàn. Cùng với đó, nhiều học sinh khác của Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo ở TP Nha Trang cũng bị đau bụng, nôn ói do ngộ độc thực phẩm.
Theo Bộ Y tế, quý 1-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 650 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, điều trị, trong đó có 3 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 thì trong 3 tháng qua, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng 270%. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến thực phẩm và vệ sinh dụng cụ. Bên cạnh đó, quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu chưa đúng quy định về ATTP, cũng như nguồn gốc thực phẩm thiếu sự rõ ràng, minh bạch.
Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, đòi hỏi các địa phương, bộ, ngành chức năng cần nghiêm túc, thẳng thắn và quyết liệt hơn trong công tác quản lý ATTP, đừng “mất bò mới lo làm chuồng”, vì ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn tác động xấu tới kinh tế - xã hội. Để giảm thiểu tình trạng này, các đơn vị chức năng, địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Người dân cũng cần thay đổi hành vi về ATTP, chỉ sử dụng, chế biến các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và còn hạn sử dụng.