Đáng báo động, tình trạng sử dụng loại ma túy tổng hợp - ma túy đá hay “hàng đá” đang khá phổ biến trong giới trẻ, gây ra nhiều hệ lụy rất nguy hại. Ma túy đá không chỉ khiến người sử dụng bị suy kiệt sức khỏe, rối loạn tâm thần mà còn rơi vào ảo giác - “ngáo đá” dẫn tới những hành vi không kiểm soát gây nguy hiểm cho cộng đồng, cũng như làm mất an ninh trật tự.
Những vụ án đau lòng
Người dân ở TPHCM và Long An cùng cộng đồng xã hội tới giờ chắc hẳn vẫn không khỏi bàng hoàng trước vụ thảm án do đối tượng Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi) gây ra, sát hại 3 người ruột thịt (ở Hóc Môn, TPHCM) và 1 một phụ nữ (ở Cần Đước, Long An). Ngay sau khi xuống tay giết hại những người thân quen, Nam đã nhanh chóng bị công an bắt giữ nhưng cơ quan chức năng vẫn rất khó khăn lấy được lời khai vì đối tượng luôn trong tình trạng ảo giác do sử dụng ma túy đá. Mới đây nhất, lực lượng công an đã kịp thời giải cứu một thanh niên mới 19 tuổi do “ngáo đá”, đột nhập vào trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận la hét gây náo loạn và định nhảy lầu.
Không chỉ có nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự, án mạng nghiêm trọng mà ma túy đá cũng đang khiến cho nhiều thanh thiếu niên bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe và tâm thần. Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho thấy, số bệnh nhân phải nhập viện điều trị do nghiện ma túy đá liên tục tăng cao, trong đó có không ít trường hợp rối loạn thần kinh, ảo giác rất nặng, chỉ muốn chết hoặc quậy phá, đánh lộn nhau, đâm chém người khác. Ông Lê Văn H., cha của một thanh niên mới 18 tuổi nhưng đã có gần 2 năm “đập đá” (đến mức phải vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trị) đau khổ cho biết: “Không ngờ ma túy đá lại khiến con tôi như hóa điên. Lúc thì ngồi ủ rũ khóc một mình, lúc thì gào thét, đập phá đồ đạc, đuổi đánh cả bố mẹ và anh chị em...”.
Trào lưu chơi đá
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tới nay cả nước có trên 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, số người nghiện ma túy đá tiếp tục tăng mạnh so với ma túy truyền thống và các chất hướng thần thay thế khác. Tỷ lệ người sử dụng ma túy đá chiếm 60% - 70%, đặc biệt, tại các tỉnh khu vực miền Trung và Nam bộ, tỷ lệ này lên tới 70% - 85%. Đáng lo ngại hơn nữa khi số người “đập đá” đang có chiều hướng trẻ hóa. Qua một số cuộc điều tra khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, tuổi bắt đầu sử dụng ma túy đá của nhiều thanh thiếu niên sống ở Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM từ 16,4 tới 17,3 tuổi. Đặc biệt, nếu như trước đây, các đối tượng sử dụng ma túy đá chủ yếu tụ tập đến các điểm công cộng như: vũ trường, bar, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh và tập trung ở các đô thị lớn thì đến nay, ma túy đá đã tràn lan khắp nơi, từ nông thôn, khu công nghiệp đến các vùng sâu vùng xa góp phần tạo nên nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội.
Lý giải về tình trạng “đập đá” đang trẻ hóa, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cảnh báo: “Ma túy đá dễ dàng tấn công người chơi hơn so với ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện) do rất dễ điều chế, sử dụng, vận chuyển, cất giữ và tiêu thụ. Thêm vào đó, một bộ phận giới trẻ thích phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá và thể hiện bản thân khi cho rằng dùng “hàng đá” là sành điệu, thể hiện đẳng cấp nên thường rủ rê lôi kéo nhau sử dụng ma túy đá mà không lường hết được tác hại”.
Bắt đầu từ gia đình và nhà trường
Theo các chuyên gia y tế, ma túy đá là hóa chất tổng hợp từ thuốc kích thích Amphetamine, có tên khoa học là Methamphetamin. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, ma túy đá không gây nghiện như các loại ma túy khác mà chỉ đem lại tác dụng kích thích thoáng qua trong cuộc vui, thế nhưng thực chất ma túy đá lại vô cùng nguy hiểm. Những người sử dụng ma túy đá thường bị rối loạn tâm thần rất nhanh. Người dùng một lần liều ít dưới 0,5mg có biểu hiện hưng phấn, mất ngủ, nói nhiều, quan hệ tình dục quá mức. Nếu liều trên 0,5mg thì bị rối loạn cảm xúc, hưng cảm tột độ, dễ dẫn tới những hành động điên cuồng. Còn đối với người “đập đá” trên 10mg thường có biểu hiện ngộ độc, mê sảng và rất dễ tử vong. Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, lý giải, ma túy đá nói riêng hay các loại ma túy tổng hợp nói chung có tác động trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương, phá hủy não bộ khiến người sử dụng mất hết minh mẫn. Điều nguy hiểm là nếu các loại ma túy truyền thống như heroin, thuốc phiện chỉ gây ảo giác, hưng phấn trong vài giờ thì ma túy đá có thể gây hưng cảm tới 3-4 ngày. Một người sử dụng heroin, để dẫn tới bị rối loạn tâm thần cũng phải mất một vài năm thì khi đã “đập đá”, chỉ vài tháng là cơ thể đã bị suy kiệt do ma túy đá tàn phá bộ não khủng khiếp và nhanh hơn bất cứ loại ma túy nào khác. Bác sĩ Cương cũng cho biết, việc cắt cơn của người nghiện ma túy đá mất từ 7-10 ngày nhưng việc cai nghiện có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào lý trí, quyết tâm của người nghiện. Đặc biệt, trong điều trị cho người nghiện ma túy đá thì yếu tố quan trọng nhất là gia đình và cộng đồng. Những bệnh nhân có gia đình quan tâm, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ thì kết quả điều trị tốt hơn rất nhiều, cũng như giảm khả năng bệnh nhân tái nghiện.
Trước tình trạng “ngáo đá” ngày càng nhiều, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, để tránh bị đối tượng “ngáo đá” tấn công, khống chế, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị ngáo đá, như: đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục, liên tục uống nước, quầng thâm trên mắt rất rõ, da nhăn nheo... Cùng với đó là có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo. “Nếu có người nhà bị “ngáo đá”, hoặc ra đường gặp các đối tượng này thì mọi người cần bình tĩnh, xử lý khôn khéo, tránh việc gào khóc, chửi bới gây kích động đối tượng. Nếu bị đối tượng khống chế, nên làm theo lời đối tượng, nhẹ nhàng thuyết phục chờ khi đối tượng mất cảnh giác thì tìm cách thoát thân. Khi gặp người “ngáo đá” ở nơi công cộng, tuyệt đối không vì tò mò mà đứng xem, cần di chuyển đến nơi an toàn và gọi công an đến hỗ trợ...”, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn khuyến cáo.
Lần đầu tiên có phác đồ trị “ngáo đá” |