Theo báo cáo từ Ban An toàn giao thông TPHCM, từ đầu năm đến hết tháng 4-2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 177 vụ tai nạn giao thông, làm chết 62 người và bị thương 64 người. Con số này so với cùng kỳ năm 2020, giảm 25 vụ tai nạn giao thông và giảm 79 người bị thương nhưng tăng 20 người chết. |
Giao thông cúi đầu
Vài năm trở lại đây, xe ôm, giao hàng công nghệ nở rộ, cũng từ đó phát sinh nhiều bất cập. Vừa chạy xe nhưng mắt gần như dán vào màn hình điện thoại là “nhận diện” của nhóm người này. Họ vừa phải tìm đường đi cho đúng, vừa dò tìm số nhà nên sẵn sàng bẻ lái, rẽ ngang, tạt dọc, lướt đầu, mặc ai thấy tự phải tránh, né. Nếu không may trở thành nạn nhân, coi như số xui.
Suýt bị một tài xế xe ôm công nghệ đụng phải tại đoạn dưới chân cầu Kênh Tẻ hướng về quận 7, may là chị Ngọc Hạnh (42 tuổi, ngụ quận 7) chạy chậm và thắng kịp. “Tôi hoảng hồn luôn, mấy ông xe ôm cứ lủi lủi chạy tới, mắt lo dòm vô điện thoại, ai thấy ổng thì tự tránh. Mỗi lần nhắc lại tôi còn thấy sợ”.
Nặng hơn chị Hạnh, chị Lệ Quyên (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đưa cánh tay còn hằn vết bầm và xước sau vụ va quẹt với một tài xế giao hàng: “Tôi thấy từ xa, biết giao hàng là mình tự động né trước rồi. Vậy mà ổng đi ngược chiều, vừa chạy rảo mắt kiếm hẻm gì đó, rồi sụp ổ gà, lạc tay lái nên lao vô xe tôi luôn. May mà tôi chạy chậm nên cũng đỡ chứ không là chắc nhập viện”.
Chuyện vừa lái xe vừa lướt điện thoại có thể ví như “bệnh nghề nghiệp” của một bộ phận tài xế và giao hàng công nghệ, với lời bao biện rằng phải đón trả khách, giao hàng đúng giờ mà không phải đường nào mình cũng nắm rõ.
Tấn Toàn (25 tuổi, ngụ quận 5) nói: “Tôi cũng từng chạy xe ẩu lắm, không phải chạy quá tốc độ hay vượt đèn đỏ mà vừa chạy xe vừa nhắn tin. Đi đêm cũng có ngày gặp ma, vừa nhắn tin vừa chạy kiểu đó, tôi tông vào xe người ta, cũng may là họ đi chậm nên không đến nỗi nhập viện. Sau cú té nhào, giờ tay trái tôi còn cái sẹo nhớ đời”.
Tài xế Grab chạy ngược chiều trên đường Trương Định (quận 3). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong những ngày thực hiện loạt bài này, chúng tôi quan sát và ghi nhận những câu chuyện văn hóa khi tham gia giao thông dở khóc dở cười trên nhiều tuyến đường trong thành phố, từ nội ô đến ngoại thành. Đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1 và quận 3), một trong những tuyến đường thuộc khu vực trung tâm và được đánh giá là tình hình giao thông “đàng hoàng” nhất. Chúng tôi mất một ngày rảo đi rảo lại trên con đường này, đúng là “đàng hoàng trong đám lộn xộn”.
Từ Ngã 6 Cộng Hòa hướng về đường Nguyễn Thị Minh Khai, đây còn là đường 2 chiều và ở giữa có con lươn (dải phân cách). Nếu đi từ hướng Ngã 6 Cộng Hòa, theo luật thì cả xe máy lẫn xe bốn bánh đều không được rẽ trái sang đường Nguyễn Thiện Thuật, nhưng đó là luật, còn xe máy thì cứ rẽ theo ý người cầm lái. Một chiếc xe chạy vọt từ phía sau lên, rẽ sang đường Nguyễn Thiện Thuật, chị Hà Thanh (43 tuổi, ngụ quận 5) thắng gấp và quát lớn: “Chạy gì kỳ cha nội, chỗ này ai cho quẹo”. Thanh niên điều khiển xe máy quay đầu nhìn chị Thanh, buông một câu chửi thề và rồ ga mạnh như thể thách thức…
Tiếp tục di chuyển trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, xe máy chúng tôi đi đúng phần đường bên phải, nhưng ngay phía trước Bệnh viện Từ Dũ, giao thông khá rối ren khi nhiều xe hơi đưa rước khách, người nhà dừng đỗ, chúng tôi chạy khá chậm vì dòng xe qua lại đông… Một giọng nói từ xe phía sau vọng lên như nạt vào mặt chúng tôi: “Trời ơi! Bên này không được thì chạy qua bên kia”, rồi liên tiếp là những tiếng trách móc hậm hực…
Cũng trên con đường này, xe buýt, xe hơi, xe gắn máy… cứ thấy bên nào trống thì lách qua rồi lách lại, bất kể phân biệt làn đường trái hay phải. “Có ai chịu nhường ai đâu mà bên trái với bên phải, mấy ông xe buýt cứ thấy trống là chạy vào, dù không phải làn đường dành cho xe mình. Rồi ông này chạy được thì ông kia cũng đu theo, thành ra nó cứ hỗn loạn”, chú Nguyễn Tâm Thành (53 tuổi, một tài xế xe ôm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai) than phiền.
Tiếp lời chú Thành, cô Hồng (đẩy xe trái cây dạo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai) nói: “Con lươn trơ trơ vậy đó, mà có bữa tui thấy mấy ông, mấy bà leo qua tỉnh queo, cái vạch kẻ băng qua đường ngay sát đó mà đâu có chịu qua đường đúng luật”.
Lỗi tại… con đường
Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) đoạn hướng về quận 8, dọc tuyến đường này, không ít biển cảnh báo thường xuyên xảy ra tai nạn và có cả thống kê số người tử vong 1 năm qua. Đi không đúng phần đường quy định thì sai rành rành, tai nạn cũng chỉ chực chờ xảy ra từ những tình huống như vậy, nhưng không lấn làn cũng không được… bởi nước cống ngập hẳn một bên. Đi trên quốc lộ 50 hướng về bến xe quận 8, có những ngày một làn đường bên phải gần như bị người tham gia giao thông “bỏ quên”, bởi nước cống đen ngòm.
“Chạy xe lấn qua phía bên kia luôn chứ biết sao, người đi học, người đi làm, quần áo chỉnh tề, giờ chống chân xuống, hay nước văng lên lấm lem hết, chẳng lẽ quay về nhà thay đồ lại”, anh Hồ Nhân (37 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) than phiền.
Đường Phạm Văn Đồng, điểm giao với Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) dù đã có dải phân cách và biển báo “Cấm dừng đỗ trên làn đường dành cho xe rẽ phải” nhưng nhiều xe máy lưu thông về hướng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn quyết “một tấc không đi”.
Ngược lại, tình trạng tự ý rẽ phải khi đèn đỏ (ở những nơi không cho phép) cũng diễn ra thường xuyên. Nếu trót dừng mà không quẹo sẽ nghe tiếng còi inh ỏi từ phía sau, quyết chen lên cho bằng được, thậm chí người có ý thức còn bị người thiếu ý thức mắng xối xả.
Một trong những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến văn hóa giao thông tại TPHCM là tình trạng hạ tầng nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được với tốc độ phát triển của dân số và phương tiện. Rất nhiều tuyến đường chật hẹp, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, hay đáp ứng lưu lượng xe hoạt động. Giao thông trên ngã tư quốc lộ 50 với đường Nguyễn Văn Linh, nhiều người có việc qua đây phải dũng cảm lắm bởi đèn tín hiệu giao thông có khi đỏ rồi xanh cả bốn phía, hoặc tắt ngủm, xe mạnh bên nào bên nấy chạy, kẹt xe không tưởng tượng nổi.
Nhắc đến kẹt xe, chị Thanh Mai (ngụ quận Bình Tân) chưa thôi ám ảnh: “Tôi làm ở quận 1, tính quãng đường đi làm không xa lắm, khoảng 14km, nhưng điệp khúc kẹt xe nên thành ra cứ thăm thẳm.
Lưu thông qua Tân Kỳ - Tân Quý đến Trường Chinh, đoạn đường trên Cách Mạng Tháng Tám, nhất là nút giao với chợ Hòa Hưng kẹt kinh niên. Đường nào cũng chật, người đông như mắc cửi. Nhiều khi dừng đèn đỏ chưa hết đã bị người phía sau bấm còi inh ỏi đòi vượt, rồi lấn làn, tạt đầu. Không ít lần tôi chứng kiến tình trạng 2 xe buýt đi song song, không còn lối ra nào cho xe máy”. Đoạn đường từ nhà trọ ở quận 7 sang quận 1 của chị Lâm Nhiên (30 tuổi) chưa đến 5km nhưng mỗi lần qua cầu Kênh Tẻ chẳng khác nào cực hình.
“Cầu thì hẹp, sợ nhất có người đi xe hơi, ngay giờ cao điểm cũng dừng lại mua cây cảnh hai bên đường. Đã kẹt, nay thành cứng ngắc”, chị lắc đầu ngao ngán.
Ám ảnh với nhiều người khi tham gia giao thông tại TPHCM chính là các vòng xoay. “Đi sao cho đúng, vì nhìn đường đi cứ như lạc vào động bàn tơ”, anh Nguyễn Văn Công (ngụ quận 12) nhắc đến việc lưu thông dưới gầm cầu vượt ngã 5 Gò Vấp. Các hướng lưu thông từ Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Trần Thị Nghỉ, Nguyễn Văn Nghi, Quang Trung, ai thấy đường nào đi được cứ đi. Không thấy biển báo, chỉ dẫn, nên những lúc đèn giao thông không hoạt động thì mạnh ai nấy đi. Sau mấy năm có cầu vượt, nhiều người vẫn không biết đi sao cho đúng đường nên chọn đi theo quán tính.
Chưa kể, khu vực này tình trạng đi ngược chiều xảy ra như cơm bữa. Nhiều người lưu thông trên đường Nguyễn Văn Công, thậm chí đường Nguyễn Kiệm “xin” chạy ngược chiều một đoạn lối đi hai bên dưới chân cầu vượt, vì nếu phải đi vòng rất xa.
“Nhà tôi nếu đi đúng chiều phải đánh đúng một vòng hết Nguyễn Kiệm, qua Nguyễn Thái Sơn rồi Phạm Ngũ Lão. Đi ngược chiều biết là sai, cũng phải lựa dữ lắm để không va chạm”, chị Ngọc Nga (quận Gò Vấp) có con học tại một trung tâm Anh ngữ ngay đầu đường Nguyễn Kiệm, chia sẻ.
Nhiều vòng xoay: Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), Công trường Dân Chủ (quận 3), ngã bảy Lý Thái Tổ (quận 10), Phú Hữu (TP Thủ Đức)… luôn là những tâm điểm kẹt xe, thậm chí là điểm đen về tai nạn.