Ngày 31-10, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung chất vấn tiếp tục được trải rộng và nóng hầu như trên tất cả các lĩnh vực, được nhìn nhận là gây bất an, ảnh hưởng đến niềm tin, cuộc sống của người dân.
Đủ điều kiện án treo, tòa vẫn phạt tù giam
Tranh luận với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) dẫn con số, trong 2.000 đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết được 1.000 đơn, trong đó số vụ giám đốc thẩm là 400 - 500 vụ - rất cao so với thế giới chỉ 100 - 200 vụ. Điều quan trọng khi mắc sai lầm là biết sửa chữa, nhưng sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối.
ĐB Phạm Trí Thức dẫn chứng vụ án ông Vũ Bá Phê ở Phú Yên tranh chấp một con bê nhưng tòa xử sai, sau đó ông Phê đã tự tử. “Phía sau mỗi lá đơn là số phận của một con người, một gia đình, dòng họ chứ không phải đơn giản là giải quyết được một nửa là tốt lắm rồi”, ĐB Phạm Trí Thức nói.
Phản hồi lại tranh luận của ĐB Phạm Trí Thức, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đồng tình với nguyên tắc đã sai phải sửa và nguyên lý này đúng trong tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tư pháp. Việc giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết được 1.000 đơn không có nghĩa là con số này dừng lại mà tiếp tục xem xét, xác định những bản án khác.
Liên quan đến án treo, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, nhiều vụ án đủ điều kiện cho án treo nhưng tòa án vẫn phạt tù giam. “Chánh án có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?”, ĐB Nguyễn Văn Chiến đặt câu hỏi.
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, quy định án treo được xem như một chế định nhân đạo khi ứng xử với một hành vi vi phạm. Khi tuyên án treo, xã hội hay đặt ra câu chuyện có tiêu cực hay không? Trong một số trường hợp có thể đủ điều kiện án treo nhưng các công tố viên cũng như thẩm phán, để đảm bảo an toàn thì thường không áp dụng án này. Quy định về án treo khắt khe, đã có tập huấn, hướng dẫn nhưng thực tế khi đi kiểm tra, không chỉ có ngành dọc viện, tòa hay Bộ Công an, mà kể cả các cơ quan của Quốc hội cũng đặt vấn đề là án treo có vấn đề gì hay không. “Cần phải nhìn nhận vấn đề án treo một cách khách quan hơn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Cũng đề cập đến lĩnh vực tư pháp, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí: “Có bao nhiêu hồ sơ trả lại 2 - 3 lần? Bao nhiêu hồ sơ sau khi điều tra bổ sung nhưng sau đó kết luận không có gì mới? Có hay không có cơ quan tố tụng sử dụng quyền trả hồ sơ để kéo dài thời gian điều tra vụ án?”.
Trả lời về vấn đề này, Viện trưởng Lê Minh Trí nói, việc trả lại hồ sơ vẫn nằm trong thủ tục luật pháp cho phép vì những hồ sơ trả lại để giám định có tội hay không do có những vụ khởi tố nhưng chứng cứ chưa đầy đủ. Yêu cầu quan trọng nhất trong việc trả lại hồ sơ là chống bỏ lọt tội phạm vì chống án oan ai sai là khó khắc phục. Nếu không trả lại hồ sơ sẽ không chứng minh được vi phạm, sẽ bỏ lọt tội phạm và nếu không trả hồ sơ để làm chặt chẽ lại có thể làm oan cho người liên quan.
Việc ngăn chặn các đường dây ma túy chưa đạt yêu cầu, nhiều đường dây mua bán vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động mạnh; ngày càng nhiều loại ma túy mới khó kiểm soát. Năm 2018, cơ quan chức năng đã khởi tố 19.059 vụ, tăng 26,33% so với năm 2017 và khởi tố 23.160 bị can.
Đánh giá cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy đang diễn ra quyết liệt, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, giải pháp trọng tâm là hoàn thiện chính sách pháp luật; quản lý chặt người nghiện tại khu dân cư, đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung và triệt phá đường dây, tụ điểm phức tạp về buôn bán ma túy...
* ĐB HÀ THỊ LAN (Bắc Giang): Vừa qua, hàng trăm container chứa rác thải không có người đến nhận tại các cảng trong cả nước biến nước ta có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Chính phủ có biện pháp nào ngăn chặn tái diễn trong thời gian tới? - Bộ trưởng Bộ TN-MT TRẦN HỒNG HÀ: Hiện nay tồn trên 1.400 container, trong đó có đến 58% là container không có giấy tờ hợp pháp, không đủ điều kiện. Đó là container nhập lậu “mà hiện nay đang nói chưa có chủ nhưng chắc chắn là có chủ”. Vừa qua Bộ Công an đã chọn ra một số đối tượng để truy nã về tội nhập lậu và đã xử lý. Việc kiểm soát không cho nhập rác thải vào Việt Nam là trong tầm tay. Còn với container tồn đọng, những container có giấy tờ đầy đủ nhưng không đáp ứng yêu cầu thì yêu cầu tái xuất theo quy định. * ĐB TRẦN ĐÌNH GIA (Hà Tĩnh): Xin Bộ trưởng cho biết biện pháp để không phải giải cứu nông sản? - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Vừa qua, chúng ta đã cố gắng trong việc tiêu thụ khi ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, có bất cập là việc sản xuất theo hộ còn nhỏ, lẻ và có những lúc dư thừa khi vào mùa vụ. Giải pháp là dựa trên kinh nghiệm của Bắc Giang trong tiêu thụ vải thiều là: vừa đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vừa tiêu thụ nội địa. Bộ đang cùng với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, người dân để cùng tìm giải pháp. Biện pháp căn cơ lâu dài là đẩy mạnh chế biến và tăng cường xuất khẩu hoa quả tươi. |
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, đây là vụ việc được người dân quan tâm vì muốn xác định xem Công ty Thuận Phong có vi phạm, sản xuất nhập khẩu phân giả hay không. Trước những dấu hiệu vi phạm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra, yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai tố tụng theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh Đồng Nai đã thụ lý điều tra theo tin báo tố giác tội phạm. Vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các bộ trả lời kết quả giám định phân bón của Công ty Thuận Phong có giả nhãn hàng hóa hay không. Hiện, Bộ NN-PTNT đã có văn bản trả lời nhưng chưa đạt yêu cầu; còn Bộ Công thương, Bộ Khoa học - Công nghệ chưa trả lời nên chưa có căn cứ xác định hình sự hay không.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ, ngành cần nhanh chóng trả lời để phục vụ cho hoạt động điều tra của các cơ quan tư pháp.
Dẫn vụ Công ty Thuận Phong đã được chất vấn tại 2 kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến, 6 bộ, ngành đã có ý kiến về giám định, ĐB Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, đầu năm nay, Bộ Tư pháp đã có kết luận về việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả và tàng trữ hàng cấm. Thế nhưng, đến nay vụ này vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Vừa qua có thông tin Công an tỉnh Đồng Nai làm việc với Ban Nội chính Trung ương lại tiếp tục đề nghị không khởi tố khiến “dư luận ồn ĩ”. “Sự việc đã kéo dài hơn 4 năm… Cần phải làm đến cùng vì quyền lợi của người nông dân”, ĐB Cương đề nghị.
Mạnh tay xử lý thông tin sai sự thật trên mạng
Vấn đề thông tin trên mạng xã hội cũng được nhiều ĐB tranh luận. Theo ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai): “Nhiều cử tri phản ánh thực trạng thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, lừa đảo qua mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã tập trung giải quyết nhưng vấn đề này vẫn gây bất an cho xã hội. Vậy giải pháp đột phá là gì?”.
Hồi đáp về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, cuộc sống thật có gian lận, lừa đảo thì trên mạng xã hội có lừa đảo; cuộc sống thật có đánh bạc, tống tiền thì trên không gian mạng cũng có đánh bạc, tống tiền. Các loại tội phạm và tệ nạn giống như vậy nên nhìn chung phải hoàn thiện quy định của pháp luật, không chỉ về quản lý không gian mạng mà cả quản lý xã hội; phải lưu ý hình thái phát sinh trên không gian mạng…
Được chỉ định trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thông tin sai sự thật tồn tại trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, “càng ngày càng nặng hơn”. Để xử lý thông tin sai sự thật, chúng ta phải định nghĩa rõ thế nào là thông tin sai bằng pháp luật và phải sửa một số quy định. Để kiểm soát vấn nạn này cần phải có công cụ giám sát, đánh giá bằng công nghệ.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, mỗi ngày trên mạng xã hội có khoảng 100 triệu thông tin bằng tiếng Việt nên không thể dùng người để kiểm soát. Hiện Bộ TT-TT đã bước đầu xây dựng được một trung tâm quốc gia để giám sát thông tin trên không gian mạng, có thể đọc, phân tích, đánh giá, sàng lọc được 100 triệu tin mỗi ngày. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là mạng xã hội xuyên biên giới, được cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, cần phải mạnh tay hơn để yêu cầu các nhà mạng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ thông tin sai sự thật và “cũng phải có chế tài xử lý vi phạm người đưa thông tin sai trên mạng”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, “mạng xã hội bây giờ không phải ảo nữa mà thật rồi, chúng ta không thể bỏ trống trận địa này”, do vậy, cần nâng cao nhận thức của người dân rằng “mọi thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt nên không phải cái gì xem cũng tin ngay”.
Ý kiến ĐB Quốc hội nhận xét sau 2 ngày chất vấn * ĐB NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (Quảng Bình): Tăng tính tranh luận hơn Lần chất vấn này, tôi nhận thấy tính tranh luận tăng hơn, các ĐB được chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ ở mọi lĩnh vực, vấn đề mà ĐB chưa thấy có sự chuyển biến, làm chưa tốt. Không khí chất vấn thẳng thắn. Chúng ta phải chấp nhận có nhiều vấn đề không phải bây giờ mà sau đây vẫn chưa giải quyết được như: ô nhiễm môi trường, hàng nhái hàng giả, buôn lậu, được mùa mất giá, quá tải bệnh viện… So với những nhiệm kỳ trước, tôi cảm nhận kỳ này những lời hứa và giải pháp của các bộ trưởng đưa ra đã hiệu quả, tích cực hơn, cụ thể hơn, thực hiện hiệu quả hơn từ nông nghiệp đến môi trường, đầu tư… * ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông): Nhiều bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn Nhiều bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trách nhiệm của các bộ trưởng cần phải rõ hơn, ví dụ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong quản lý và huy động vốn vay nước ngoài. Trong dự toán ngân sách 2019 và điều chỉnh đầu tư công, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung 60.000 tỷ đồng vốn vay nước ngoài, tôi cho đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Vì đầu tư công trung hạn phải kế hoạch, thu - chi phải có dự toán. Rõ ràng việc huy động vốn vừa qua vượt mức trần Quốc hội quy định thì phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Hay trách nhiệm của Bộ GD - ĐT, dư luận đang bức xúc về dự thảo quy chế đuổi học học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 bị đuổi học, dù là quy định không mới, nhưng nếu sát sao và có điều chỉnh trước khi lấy ý kiến thì mọi việc đã khác. Bộ trưởng phải có trách nhiệm chỉ đạo việc soạn thảo và ban hành. Tôi cũng đánh giá Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường thắng thắn nhận trách nhiệm trong lĩnh vực của mình. LÂM NGUYÊN (ghi) |