Ngày càng phức tạp
Cho tới thời điểm này, bác sĩ Phạm Hải Ninh và nhiều y bác sĩ ở BV Sản Nhi tỉnh Yên Bái vẫn còn rất hoang mang, không hiểu vì lý do gì mà sau khi họ thực hiện thành công ca mổ đẻ “mẹ tròn con vuông” cho sản phụ T. (25 tuổi, ở phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) lại bị chồng của sản phụ này hành hung ngay trong những ngày đầu năm mới Mậu Tuất.
Còn rất mệt và đau sau khi bị người nhà nạn nhân đánh rách mi mắt trái và đầu, bác sĩ Ninh chia sẻ: “Lúc anh em trong BV nhắc chồng sản phụ T. (đối tượng Lê Hồng Nam, 33 tuổi, ở tỉnh Lào Cai) cùng một số người không quay phim, chụp ảnh quá trình chị T. phẫu thuật để sinh con, chúng tôi đã bị đe dọa và lăng mạ, nhưng anh em vẫn bình tĩnh hoàn thành tốt ca phẫu thuật mổ đẻ cho sản phụ. Cứ nghĩ rằng sau ca phẫu thuật người nhà bệnh nhân sẽ rất vui mừng, nhưng ai ngờ khi chúng tôi vừa ra khỏi phòng mổ thì bị chồng sản phụ T. và một số người hùng hổ lao đến đánh đập dã man”.
Cách đây ít ngày, nhiều cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh ở BV Đa khoa trung ương Thái Nguyên đã vô cùng kinh hãi, hoảng sợ khi một thanh niên vác dao phay vào BV đòi “xử” bác sĩ, nguyên nhân chỉ vì bác sĩ không đồng ý yêu cầu vô lý tháo khớp tay cho người thanh niên này dù anh ta chẳng bị thương tật gì.
Trong năm 2017 đã xảy ra 25 vụ hành hung bác sĩ gây thương tích tại các BV.
Không điều gì có thể biện minh cho những hành động côn đồ đối với y bác sĩ khi đang làm nhiệm vụ. Thế nhưng, đáng báo động là thực trạng này lại đang ngày càng gia tăng và táo tợn hơn. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, trong năm 2017 đã xảy ra 25 vụ hành hung bác sĩ gây thương tích tại các BV.
Cùng với đó là tình trạng cò mồi, trộm cắp, lừa đảo, gây rối... vẫn tiếp tục diễn ra rất phức tạp tại nhiều BV. Theo ông Trương Hồng Sơn, Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, các vụ hành hung y bác sĩ khi đang làm nhiệm vụ và gây rối BV liên tiếp diễn ra không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh, mà còn tác động đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các nhân viên y tế.
Bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 ở Thái Bình bị người nhà bệnh nhân hành hung khi đang làm nhiệm vụ
Cần sự hỗ trợ nhiều hơn
Theo đánh giá của Cục Quản lý khám chữa bệnh, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế xảy ra chủ yếu ở BV tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là tuyến trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung phần lớn là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%). Nghiêm trọng hơn khi có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên BV, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh. Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp như đe dọa, tống tiền nhằm trục lợi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an ninh trật tự trong BV, trong đó chủ yếu là tình trạng quá tải bệnh nhân, trong khi các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường BV chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc giải quyết các sự cố, tai biến về y khoa nhiều khi chưa được xử lý tốt, chưa giải thích cặn kẽ thấu đáo cho người bệnh dẫn tới sự bức xúc của người nhà bệnh nhân.
Không chỉ vậy, các biện pháp bảo đảm an ninh tại một số BV cũng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ nói riêng về các tình huống dễ dẫn tới xung đột.
Trước tình trạng hành hung cán bộ, nhân viên y tế khi đang làm nhiệm ngày càng phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng để hạn chế tình trạng này thì tại các BV, cùng với lực lượng bảo vệ, rất cần thêm cả công an túc trực thường xuyên để bảo đảm an ninh trật tự.
Do đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghi lực lượng công an tăng cường kiểm soát trật tự trong BV, bảo đảm an ninh trật tự khu vực xung quanh. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm minh các đối tượng gây rối BV, hành hung người bệnh và y bác sĩ khi đang làm nhiệm vụ.
Ông Trương Hồng Sơn cho biết, Tổng hội Y học đã có kiến nghị lên Quốc hội và một số cơ quan chức năng về việc cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Phòng chống bạo hành nhân viên y tế, nhằm bảo vệ thầy thuốc để họ yên tâm công tác. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có bộ luật này với các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với các hành vi bạo hành cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân, cũng như mức đền bù về sức khỏe và tinh thần.