Hiện diện khắp nơi
Tại quận 12, TPHCM hiện đang có cả ngàn cơ sở mầm non, nhóm trẻ tư thục, mỗi phường có hàng chục điểm trông giữ trẻ nhưng chất lượng và nhất là các kỹ năng sư phạm của các bảo mẫu vẫn là một dấu hỏi lớn. Chỉ riêng phường Hiệp Thành, nơi vừa xảy ra vụ bạo hành trẻ em làm chấn động dư luận, hiện có 53 nhóm trẻ tư thục, đang trông giữ 4.500 trẻ. Phường chỉ có 3 trường công, 10 trường tư quy mô lớn với hơn 2.300 em. Tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12), chỉ trong phạm vi khoảng 2km cũng có ít nhất 3 nhóm lớp tư thục theo hình thức trông giữ trẻ là chính.
Một cơ sở mầm non ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) kín cổng cao tường, trông giữ hàng chục trẻ
Một trong những trung tâm khu công nghiệp của cả nước là thị xã Thuận An và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), nơi có hàng trăm ngàn lao động tạm trú và hàng ngàn cháu bé theo cha mẹ gửi tại các cơ sở mầm non công lập và tư thục trên địa bàn. Trong khi phần lớn các trường mầm non công lập chỉ trông trẻ từ thứ hai đến thứ sáu và phải đón về trước 5 giờ mỗi ngày, các nhóm trẻ tư thục lại sẵn sàng trông trẻ tới 9 giờ tối và cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Đây chính là lợi thế mà nhiều phụ huynh dù không mặn mà với mầm non tư thục vẫn lựa chọn để gửi con em mình bởi các nhóm trẻ đáp ứng được chuyện thường xuyên phải tăng ca của công nhân.
Theo khảo sát của phóng viên Báo SGGP, tại thị xã Thuận An, khoảng 90% cơ sở mầm non là dân lập và các nhóm lớp tư thục, mỗi nhóm chỉ có từ 2-3 bảo mẫu, trông giữ tối đa tới 50 trẻ (theo quy định, nhóm lớp được nhận tối đa 50 em trẻ). Các nhóm lớp tư thục chỉ mở cửa khi đón trẻ từ lúc sáng sớm và lúc phụ huynh đón trẻ về, còn lại phần lớn thời gian trong ngày là đóng cửa kín mít, rất khó để người ngoài có thể quan sát được khu vực bên trong, hoạt động của lớp học. Vì vậy, chuyện bạo hành nếu có xảy ra thì rất khó bị phát giác.
Chị Nguyễn Thị Hòa (ngụ quận 12, TPHCM) cho biết chị từng được nghe kể về chuyện các cháu bé tại một cơ sở mầm non, vì không chịu ăn, đã bị nhốt vào lu đựng nước rồi đậy kín lại. Khi cho ăn, các cô giáo, bảo mẫu cứ thế nhồi nhét thức ăn vào miệng các cháu nên 5 phút là đã xong bữa ăn sáng.
Phụ huynh cần sát sao hơn
Tình trạng bạo hành trẻ em chủ yếu xảy ra ở các cơ sở mầm non tư thục và khá thường xuyên. Tại TPHCM, trong vòng 4 năm qua, đã có 3 vụ bạo hành trẻ em (2 vụ ở quận Thủ Đức, 1 vụ ở quận 12), trong đó có 1 bé trai tử vong. So với điều kiện thành lập trường mầm non, việc thành lập nhóm trẻ tư thục như lớp mẫu giáo Mầm Xanh đơn giản hơn nhiều. Vì vậy, trong thời gian qua, nhóm trẻ tư thục mọc lên như nấm sau mưa ở nhiều nơi, khiến phụ huynh không biết cơ sở nào tốt, có đầy đủ cơ sở vật chất và giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm, để gửi gắm. Cá nhân muốn mở cơ sở mầm non tư thục để trông giữ trẻ chỉ cần khoảng 50 triệu đồng để làm hồ sơ, thuê mặt bằng và bảo mẫu.
Việc các phòng giáo dục quận, huyện cấp phép cho các cơ sở mầm non tư thục hoạt động đã góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Thế nhưng các cơ sở quy mô nhỏ chỉ có 1-2 người trông giữ thì không thể đảm bảo việc chăm sóc trẻ, chứ chưa nói đến việc thiếu đầu tư thiết bị giáo dục, các trò chơi phục vụ học tập cần thiết cho trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành (quận 12), cho rằng trong vụ bạo hành tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh vừa qua, cũng có một phần lỗi của phụ huynh khi thiếu sát sao, quan tâm đến con em mình. Bởi có những người đã gửi con từ 2-3 năm vẫn không phát hiện ra việc con em mình bị bạo hành hàng ngày tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc chính quyền địa phương tăng cường giám sát, lắng nghe phản ánh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình cũng cần quan tâm hơn nữa đến những diễn biến tâm lý dù nhỏ nhất của trẻ để có thể can thiệp kịp thời, tránh để xảy ra những vụ bạo hành khiến dư luận phẫn nộ trong thời gian qua.