Chủ đầu tư đã phun cát san lấp tạo mặt bằng với độ cao từ 2-3m so với mặt bằng cũ khiến nhà dân lọt thỏm giữa “thung lũng cát”, gây ra hàng loạt hệ lụy môi trường và nỗi bất an của người dân.
Nhà dân lọt thỏm giữa bốn bề đất cát
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Khu dân cư Vĩnh Phú 1 do Công ty TNHH xây dựng thương mại Vũ Kiều (khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An) làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2002 với diện tích hơn 100ha. Người dân có đất nằm trong dự án cho biết, thời điểm ban đầu triển khai, giá đền bù được chủ đầu tư thỏa thuận là 90.000 đồng/m² (đối với đất nông nghiệp), khi đó đã có một số người dân đồng ý bàn giao nhưng phần lớn không chịu do mức giá quá thấp.
Đến nay, sau gần 20 năm quy hoạch, triển khai dự án, giá đền bù chỉ tăng nhỏ giọt, hiện tại là 2-3 triệu đồng/m² (tùy vị trí). Còn khoảng 30% số hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng (tương đương hơn 100 hộ). Trong khi người dân đã nhiều lần có ý kiến đề nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri mong mỏi có một buổi đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư và chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Bạch (57 tuổi, ngụ tại phường Vĩnh Phú), cho rằng chủ đầu tư cho máy móc phun cát khu vực xung quanh cao hơn nóc nhà hiện hữu đã tạo áp lực khiến người dân không chịu được để phải đồng ý bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, gia đình bà cũng như các hộ dân tại đây vẫn kiên trì không dời đi nếu không được đền bù xứng đáng. Các hộ này đa số là những gia đình khó khăn, nhiều nhân khẩu, có diện tích đất 1.000 - 4.000m². Nếu chấp nhận mức giá hơn 2 triệu đồng/m² như chủ đầu tư đưa ra sẽ không đủ tiền tái định cư nơi khác, vì giá đất trong cùng khu vực hiện dao động ở mức từ 10-12 triệu đồng/m².
Theo bà Vũ Kiều Nữ, Giám đốc Công ty Vũ Kiều, do còn nhiều hộ dân chưa đồng ý bàn giao đất nên trong giai đoạn 2 của dự án Khu dân cư Vĩnh Phú 1 mới chỉ giải phóng mặt bằng được 70% và hiện vẫn chưa thể xác định được thời điểm hoàn thành dự án này.
Bỏ mặc cuộc sống của các hộ dân chưa đồng ý đền bù, chủ đầu tư đã tiến hành be bờ, bơm cát ồ ạt trong thời gian dài trên phần diện tích đã được bàn giao với quy mô lên đến hàng chục ngàn mét vuông, độ cao từ 3-4m so với nền cũ, khiến nhà dân rơi vào tình thế cô lập giữa “thung lũng cát” và đối mặt với nhiều hệ lụy môi trường.
Vào những ngày mưa, nước phèn trong cát thấm qua bờ bao chảy xuống các kênh mương, tràn vào khu vực trồng rau màu, cây ăn trái, thấm vào giếng nước của người dân và các ao cá trong khu vực, khiến cá và các loài sinh vật khác chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối; còn những ngày nắng thì cát bay mù mịt, khiến mọi vật dụng trong nhà đều phủ đầy bụi.
Nghiêm trọng hơn, vào thời điểm cuối năm 2017, khi mưa lớn kết hợp triều cường đã phá vỡ hơn 30m bờ bao khoanh vùng bơm cát, khiến hàng trăm khối cát và nước trôi tụt xuống nhà dân trong đêm tối, chủ đầu tư phải chấp nhận hỗ trợ mỗi hộ dân 1,5 triệu đồng cùng mì gói và nước sạch. Trước đó không lâu, một vụ vỡ bờ bao tương tự đã đẩy cát, nước vào nhà dân dâng cao hơn 1m, làm các thiết bị gia dụng hư hỏng toàn bộ và cá nuôi chết trắng ao, mương.
Trước thực trạng “sống dở chết dở” của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục nhưng được trả lời là việc san lấp mặt bằng đã được sự cho phép của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương!