Bất an cây xanh ngã, đổ trong mùa mưa

Những ngày qua, liên tục xuất hiện những cơn mưa vào chiều tối hoặc sáng sớm tại TPHCM. Mưa lớn kèm dông lốc đã làm nhiều cây xanh trên địa bàn gãy, đổ, khiến người dân lo sợ mất an toàn khi tham gia giao thông.

Nơm nớp khi ra đường

Chiều 14-7, mưa to, gió lốc đã làm một cây xanh ngã đổ ngay trong công viên góc đường Hàn Thuyên - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Cũng vào chiều 14-7, người dân ở khu vực quận 10, TPHCM bàng hoàng chứng kiến một cây xanh tại góc đường Ngô Gia Tự - Bà Hạt bất ngờ bị gãy ngang thân và đè trúng xe ô tô 7 chỗ đang lưu thông.

S5b.jpg
Hiện trường vụ tai nạn do nhánh cây gãy trên đường Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM) ngày 14-7

Chị Lê Thị Hoa, người đã chứng kiến sự việc, kể: “Lúc đó khoảng 16 giờ, tôi đang dọn dẹp nhà cửa thì nghe tiếng động lớn ngoài đường, từ trong nhà bước ra thì thấy một khúc cây lớn đè lên chiếc ô tô đang có người lớn và trẻ nhỏ bên trong. Rất may không ai bị thương. Từ sau khi sự việc xảy ra, đi đâu tôi cũng nhìn lên hàng cây trên cao mà nơm nớp lo âu”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Quỳnh Anh (ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chia sẻ, công ty chị ở quận 3, con đường đi làm mỗi ngày ngang qua các tuyến đường có nhiều cây xanh to cao như đường Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần... Thời gian gần đây, liên tục xảy ra tình trạng cây ngã, đổ do mưa gió khiến chị thấy lo lắng, bất an mỗi khi ra đường.

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến cây ngã, gãy nhánh có thể vì nhiều loại cây trồng không phù hợp trong đô thị, nhiều cây khi bật gốc mới thấy là rễ chùm chứ không phải rễ cọc. Mặt khác, công tác cắt tỉa, bảo dưỡng cây xanh chưa được thực hiện thường xuyên; tình trạng ngập lụt đô thị qua mỗi mùa mưa cũng góp phần làm cây dễ bị bật gốc do đất bị mềm ra. Nguyên nhân khác nữa là những hành vi “bức tử” cây xanh của người dân khi dùng cây làm nơi trang trí đèn, treo biển quảng cáo, đóng đinh hay các vật sắc nhọn, bê tông hóa hố trồng cây...

“Ngoài việc kiểm tra, chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên, cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không can thiệp thô bạo vào thân cây, ảnh hưởng gián tiếp đến tuổi thọ cây xanh, nguy cơ mất an toàn cho chính bản thân và người khác”, PGS-TS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh.

S5c.jpg
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM thực hiện cắt tỉa cây xanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM ngày 17-7

Nêu cao trách nhiệm

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM, cho biết, hiện nay, công ty là một trong các nhà thầu thực hiện duy tu, chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè cùng một số công viên: Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định, 23 Tháng 9, 30 Tháng 4. Ngoài công ty, còn có các nhà thầu và các Công ty dịch vụ công ích thuộc các quận, huyện được phân cấp quản lý đang chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố. Hàng năm, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM thường xuyên triển khai các công tác duy tu, chăm sóc, bão dưỡng cây xanh cũng như thực hiện công tác tuần tra hàng ngày, nhất là khu vực thường xuyên tập trung đông người để phát hiện các cây xanh bị khiếm khuyết, hư hại nhằm có hướng xử lý kịp thời.

“Nếu có sự cố cây xanh xảy ra, công ty bố trí lực lượng có mặt kịp thời để khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn giao thông và công trình của các tổ chức, cá nhân. Nếu sự cố ảnh hưởng đến con người thì công ty sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu. Đối với những thiệt hại về sức khỏe của người dân và tài sản của tổ chức, cá nhân, công ty sẽ có hỗ trợ phù hợp, tùy vào từng trường hợp cụ thể”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh chia sẻ.

Thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, trong năm 2022, số lượng cây xanh bị ngã, đổ là 342 cây; gãy nhánh là 438 nhánh. Con số này trong năm 2023 là 561 cây (tăng 219 cây so với năm 2022) và 670 nhánh (tăng 232 nhánh so với năm 2022).

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, trước mùa mưa, các phòng, ban của thành phố cũng đã lên kế hoạch, chủ động cắt tỉa, rà soát các cây xanh không đảm bảo yêu cầu theo quy định. Vấn đề lo ngại hiện nay là các loại cây xanh vãng lai, như cây xanh trong khu dân cư, công trình dự án chưa được bàn giao, chưa bố trí được ngân sách để quản lý, chăm sóc. Cây xanh ở những khu vực này thường thiếu sự chăm sóc, khi có mưa, bão dễ bị ngã, đổ. Đối với việc xử lý cây vãng lai, Nhà nước đã có chủ trương bố trí ngân sách cho việc chăm sóc, quản lý. TP Thủ Đức cũng đang chủ động triển khai thực hiện theo quy định, vấn đề là phải thống kê số lượng, thực trạng. Một giải pháp khác mà TP Thủ Đức đang triển khai đối với cây xanh vãng lai là giao cho tổ dân phố tự quản. Nếu người dân phát hiện những tiềm ẩn rủi ro thì báo địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM, trước những diễn biến cực đoan của thời tiết trong mùa mưa có thể gây mất an toàn cho người dân, trung tâm đã chỉ đạo thực hiện công tác duy tu, chăm sóc cây xanh và triển khai các giải pháp để cảnh báo người dân. Trung tâm cũng yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, khuyến cáo người dân khi xảy ra dông lốc, mưa lớn, hạn chế vào vui chơi, sinh hoạt tại các khu vực có cây xanh kích thước lớn.

Tin cùng chuyên mục