Ở các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng… nông dân trồng cây có múi (quýt, cam, bưởi…) rất phổ biến. Đây được xem là thế mạnh và là nguồn thu nhập chính nuôi sống nhiều gia đình ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, gần đây cây có múi mất dần lợi thế khi giá giảm mạnh, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng làm nhiều vườn cây chết tràn lan, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Nông dân lo lắng
Những ngày gần đây giá cây có múi như cam, quýt… liên tục giảm khiến nông dân lo lắng. Hiện tại, thương lái ở ĐBSCL thu mua trái cây có múi giảm từ 5.000 - 8.000 đồng/kg so những năm trước.
Cùng với giảm giá thì nhiều vườn cây có múi đối mặt với tình trạng dịch bệnh bùng phát. Ông Phạm Văn Lành, ngụ xã Tân Thành (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) tâm sự: “Gia đình tôi canh tác khoảng 15 công vườn trồng quýt đường, quýt hồng, cam dây và cam sành. Từ năm 2016 trở về trước, nhờ được giá mà có tiền xây nhà kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi và lo cho con cái ăn học. Thế nhưng, gần đây khu vườn bỗng nhiên xuất hiện bệnh vàng lá. Lúc đầu chỉ một số cây nên tôi mua thuốc chữa trị, nhưng không khỏi; ngược lại ngày càng lan rộng hơn. Đến nay có khoảng 50% diện tích vườn bị bệnh vàng lá; hàng loạt cây cho trái kém chất lượng, năng suất giảm, buộc phải đốn bỏ để trồng cây khác”.
Dịch bệnh tấn công nhiều vườn cây có múi ở ĐBSCL
Tại vùng chuyên canh quýt hồng đặc sản ở xã Long Hậu và xã Tân Phước (huyện Lai Vung), tình hình cũng tương tự. Theo ông Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX Quýt hồng Lai Vung, qua khảo sát mới đây, bệnh vàng lá trên cây quýt hồng tăng chóng mặt và hầu như các địa phương trong huyện đều xuất hiện loại bệnh nguy hiểm này. Ước tính có khoảng 30%-40% diện tích quýt hồng bị bệnh, trong khi cam sành và cam dây cũng nhiễm bệnh tràn lan. Dịch bệnh khiến nhiều nông dân điêu đứng, bởi vườn cây suy kiệt giảm năng suất, chất lượng và tốn thêm nhiều chi phí điều trị.
Ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang… số lượng vườn cây có múi bị nhiễm bệnh khá lớn.
Thiệt trăm bề…
Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, dù chưa có thống kê chính xác số lượng vườn cây có múi bị vàng lá, nhưng thực tế diện tích nhiễm bệnh cứ ngày càng tăng một cách đáng lo ngại.
Trong đó có nhiều diện tích quýt hồng trồng khoảng 3- 4 năm, khi vừa cho trái thì bị nhiễm bệnh làm chết cây, gây thiệt hại 200 - 400 triệu đồng/ha vốn đầu tư.
Ông Tạ Văn Hội, Bí thư Huyện ủy Lai Vung (Đồng Tháp), trăn trở: “Trước thực trạng dịch bệnh tấn công vườn quýt hồng đặc sản, đe dọa sự phát triển của loại cây thế mạnh này. Thời gian qua, huyện Lai Vung đã tìm các chuyên gia, nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ… nhờ giúp sức. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn còn rất khó”. PGS-TS Trần Văn Hâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Bệnh vàng lá, thối rễ đã từng xảy ra trên cây có múi và gây thiệt hại khá nhiều. Sau đó, các nhà khoa học hỗ trợ nông dân biện pháp phòng trị và một số nơi có giảm…”.
Các chuyên gia về cây ăn quả lưu ý, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh vàng lá trên cây quýt, cam lan rộng như: nông dân bón phân dư đạm dẫn đến ngộ độc; nhện đất phát sinh; sử dụng giống bị thoái quá do bầu chiết nhiều lần; thời tiết bất lợi cho cây có múi (nắng quá nóng hoặc mưa kéo dài)…
Khắc phục tình trạng trên, trước mắt nông dân cần sử dụng hóa chất tiêu diệt nấm Salizum, cải tạo khu vườn thông thoáng, nhất là tháo nước tốt trong mùa mưa lũ; hạn chế bón phân đạm và tăng cường phân kali nhằm giúp cây tăng sức đề kháng; sử dụng nhiều phân hữu cơ và trồng thêm cây che nắng, chắn gió… Ngoài ra, cần chọn giống tốt khi phát triển cây có múi, tránh sử dụng những giống có mầm bệnh.