Chất lượng thấp, thiếu tính đặc trưng
Đến tháng 3-2025, tỉnh Kon Tum có 280 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó huyện Tu Mơ Rông có khoảng 30 sản phẩm của 9 chủ thể. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, nhìn nhận, việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn thời gian qua chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Tu Mơ Rông - một vùng đất từ lâu được người dân khắp nơi biết đến là “thủ phủ” sâm Ngọc Linh, song tới nay vẫn chưa có sản phẩm 5 sao.
Theo ông Mạnh, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chủ thể chưa quan tâm phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất còn manh mún. Ngoài ra, công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của một số chủ thể chưa đạt, khiến sản phẩm dù chất lượng cao, vẫn chưa có thị trường ổn định.
Tại tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh, chia sẻ, giai đoạn 2020-2024, toàn tỉnh có 191 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, nhưng chỉ đạt tiêu chuẩn 3-4 sao, chưa có sản phẩm “đầu đàn” - đạt chuẩn 5 sao.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm OCOP có sự trùng lắp, điển hình là các sản phẩm từ con tôm. Cụ thể, riêng huyện Đầm Dơi đã có đến 6 sản phẩm tôm khô, huyện Ngọc Hiển có 3 sản phẩm tôm khô, được cấp chứng nhận OCOP đạt 3-4 sao… Sự trùng lắp nhiều loại sản phẩm OCOP trên một địa bàn không chỉ làm mất tính đặc trưng, mà còn làm giảm tính cạnh tranh, kéo theo nguyên liệu, chất lượng, giá bán của sản phẩm bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, tại Cà Mau, nhiều chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm OCOP có tiềm lực kinh tế thấp, quy mô nhỏ lẻ, không theo kịp yêu cầu ngày càng cao của thị trường, dẫn đến đuối sức, phải rời chương trình hoặc hoạt động cầm chừng.
Thực tế, do không đảm bảo được chất lượng và các điều kiện đầu vào, nhiều sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận 3 sao, 4 sao, 5 sao đã bị thu hồi. Như tại Đồng Tháp, ngày 21-12-2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với 47 sản phẩm (trong đó có 44 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao) của 27 chủ thể.
Nói về nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm OCOP bị thu hồi giấy chứng nhận, ông Phan Hồi Hương, Phó Chủ nhiệm Hội quán Cộng đồng OCOP Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không giữ chữ tín trong làm ăn. Khi có lượng khách hàng nhất định, đầu ra ổn định, họ không duy trì bộ tiêu chí OCOP, hạ chất lượng sản phẩm.
Riêng đối với sản phẩm OCOP 4 sao bị thu hồi, một phần là do vướng phải một số quy định. Cụ thể, đối với một số sản phẩm OCOP 3 sao chuẩn bị lên 4 sao, đòi hỏi chủ thể OCOP phải có pháp nhân, tức quy mô là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Về quy định này, các hộ dân là chủ thể OCOP sẽ rất khó khăn, vì bắt đầu với một lĩnh vực mới, quản lý vận hành một doanh nghiệp sẽ không dễ dàng.
Để hỗ trợ các mô hình thực hiện mục tiêu tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam tích cực phối hợp cùng Tiktok Việt Nam hỗ trợ chuyển đổi số cho chương trình OCOP quốc gia. Những năm qua, mô hình “Chợ phiên OCOP” được tổ chức liên tục trên nền tảng TikTok, giúp sản phẩm OCOP được quảng bá đến đông đảo cộng đồng, tạo động lực cho các sáng kiến khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo.
Chưa tiếp cận chính sách hỗ trợ, sản phẩm “bí đầu ra”
Theo nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, việc nâng hạng sao các sản phẩm OCOP hiện nay còn nhiều lực cản. Bà Cẩm Nhung, đại diện Công ty TNHH Hoàng Nguyên Garden (Lâm Đồng), thông tin: “Để sản phẩm OCOP 3 sao được nâng lên 4 sao, buộc phải có chứng nhận về môi trường. Đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp quy mô nhỏ, điều kiện này khó có thể đáp ứng được, bởi chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải quá lớn”.

Đại diện Hợp tác xã Bánh phồng tôm H.T (Long An) chia sẻ, hầu hết các hợp tác xã, cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ đều gặp khó khi tham gia chương trình OCOP, nhất là vốn tín dụng, ứng dụng công nghệ trong sản xuất… Rất ít chủ thể được tiếp cận các chính sách hỗ trợ này.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Công TNHH Gỗ mỹ nghệ và trang trí nội thất Nguyễn Vân (Long An), bộc bạch, sản phẩm gỗ của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao từ năm 2022, tuy nhiên đến nay chưa được ngành chức năng hỗ trợ thị trường tiêu thụ. Chính quyền địa phương nên làm tốt hơn khâu liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm OCOP. Nếu chỉ vận động doanh nghiệp tham gia, tạo đầu vào, xây dựng sản phẩm, nhưng không tạo đầu ra, chương trình OCOP khó phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-MT), quan trọng nhất đối với các sản phẩm OCOP hiện nay là đầu ra - thị trường. Để mở rộng thị trường, ngoài các kênh thương mại truyền thống, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tận dụng triệt để và nhanh chóng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Dù có những kết quả tích cực, song phát triển sản phẩm OCOP trên nền tảng số vẫn đối mặt nhiều thách thức, như sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng trên mạng xã hội và sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm khác. Do đó, các chủ thể OCOP cần liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng và đổi mới để thích ứng với thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN-MT TRẦN THANH NAM:
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn kết nông dân với doanh nghiệp nhằm đảm bảo sản xuất có quy mô và đồng đều về chất lượng. Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP “bí đầu ra” vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không đáp ứng được đơn hàng lớn.
Cùng với đó, công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP tại một số địa phương còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng sản phẩm kém chất lượng vẫn lưu hành, làm mất uy tín chung. Cần có chế tài mạnh hơn đối với các cơ sở vi phạm; áp dụng cơ chế hậu kiểm chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm OCOP sau khi được công nhận vẫn duy trì chất lượng; cần có quy trình kiểm soát định kỳ, nếu vi phạm thì rút chứng nhận ngay, tránh tình trạng “chạy đua danh hiệu”.
Tương tự, quy định về công nhận sản phẩm OCOP cũng còn bất cập, đặc biệt là điều kiện để đạt 4 sao trở lên. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến “mắc kẹt” ở mức 3 sao. Bộ NN-MT cùng các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí theo hướng linh hoạt hơn, tập trung vào chất lượng và thương hiệu hơn là quy mô.
Để tiếp sức cho các chủ thể OCOP, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể như giảm thuế, hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực. Tổ chức tập huấn về quản trị, marketing, xây dựng thương hiệu cho các chủ thể OCOP, giúp họ hiểu rõ nhu cầu thị trường thay vì chỉ tập trung vào sản xuất.
Ông NGUYỄN MINH TIẾN - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-MT):
Cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn cho các cơ sở OCOP. Cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ NN-MT với Bộ Công thương trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bên cạnh xúc tiến thương mại qua kênh thương mại điện tử trong nước, cần giới thiệu các sản phẩm OCOP đến các kênh phân phối truyền thống như chợ, siêu thị, chuỗi bán lẻ, đồng thời cũng cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm này ra thị trường quốc tế, đặc biệt là qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đối với kênh truyền thống thì không chỉ đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ mà nên tiếp cận cả những cửa hàng đặc sản, hệ thống khách sạn, khu du lịch, đặc biệt là hệ thống trạm dừng nghỉ… - nơi có hiệu quả quảng bá và tiêu thụ rất mạnh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể hỗ trợ tăng cường tập huấn cho các chủ thể OCOP về kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số.
Ông PHẠM VĂN TRỌNG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang:
Chất lượng quyết định sự phát triển bền vững của sản phẩm OCOP. Sản phẩm không đạt chất lượng, chủ thể sẽ không có uy tín, sản phẩm không bao giờ có thương hiệu.
Thời gian tới, tỉnh tập trung siết chặt khâu đầu vào của sản phẩm, nhất là với sản phẩm 5 sao. Sản phẩm khi được cấp chứng nhận OCOP, yêu cầu đầu tiên phải có tính đặc trưng gắn với đặc thù của địa phương; nội dung, mẫu mã không trùng lắp. Để được vậy, tỉnh quyết tâm làm tốt việc kiểm tra, giám sát; kiên quyết loại các sản phẩm không đủ điều kiện.