Khốn khổ vì lũ lên cao
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), vụ lúa thu đông năm 2018, toàn huyện xuống giống hơn 36.000ha, hầu hết nằm trong vùng có đê bao bảo vệ. Khi nghe thông tin nước lũ đổ mạnh về vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, ngành chức năng và nông dân đã tích cực gia cố đê bao bảo vệ lúa. Thế nhưng, do áp lực nước lũ đổ về quá mạnh và dâng cao liên tục, tuyến đê bao ở ấp 2, xã Thạnh Lợi đã bị nước lũ phá vỡ vào chiều 12-9, khiến gần 150ha lúa thu đông chìm trong biển nước, ước tính thiệt hại khoảng 3,4 tỷ đồng…
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi Đoàn Văn Tuấn nhìn nhận: “Đây là vùng trũng ở Đồng Tháp Mười nên khi lũ về mạnh đã làm mực nước trong và ngoài đê bao chênh lệch rất cao, có nơi khoảng 2m. Chính quyền và nông dân đã liên tục gia cố, nhưng đoạn đê ở ấp 2 không chống cự được. Hiện tại, 3.600ha lúa thu đông của xã phải đến cuối tháng 9 mới thu hoạch dứt điểm, do đó nhiệm vụ chống lũ còn căng thẳng…”.
Thống kê của huyện Tháp Mười cho thấy, đến thời điểm này có hơn 8.000ha lúa thu đông bị nước lũ đe dọa, chủ yếu ở các xã Trường Xuân, Thanh Mỹ, Hưng Thạnh, Thạnh Lợi... Huyện đã thành lập hơn 100 tổ, đội, phòng chống lũ và bảo vệ đê bao với gần 900 người tham gia.
Tại An Giang, hàng loạt nông dân khốn khổ vì nước lũ hoành hành lúa thu đông trên diện rộng. Ông Phạm Hoàng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, bộc bạch: “Khoảng 7 năm gần đây nước lũ về thấp nên bà con chủ quan dẫn đến việc xuống giống lúa thu đông khá nhiều. Từ cuối tháng 8-2018, nước lũ ở Campuchia kéo về dữ dội, khiến việc chống lũ bảo vệ lúa vô cùng vất vả”.
Đưa chúng tôi ra cánh đồng ở bờ Bắc kênh Vĩnh Tế, ông Nguyễn Văn Minh, xã Vĩnh Gia, than thở: “Không thể ngờ lũ lên quá cao và nhanh như vậy. Khu vực này có khoảng 125ha được quy hoạch làm 2 vụ/năm, tuy nhiên nông dân tự liên kết làm đê bao lửng để sản xuất thêm vụ thu đông. Do nước lũ dâng cao khiến đê bị vỡ, nhấn chìm toàn bộ ruộng lúa đã chín, gây thiệt hại nặng nề…”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, đến nay đã có hơn 887ha lúa thu đông trong huyện bị nước lũ làm mất trắng. Hàng ngàn hécta lúa khác phải thu hoạch sớm để chạy lũ, chấp nhận giảm năng suất. Hiện tại, có 1.300ha lúa ngoài đê bao ở các xã Lương An Trà, Vĩnh Phước… bị lũ uy hiếp dữ dội. Tình hình vô cùng gay go.
Lúa thu đông “5 ăn 5 thua”
Những ngày qua, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp liên tục đi kiểm tra thực tế lúa thu đông để chỉ đạo phòng chống lũ. Theo kế hoạch, vụ lúa thu đông năm 2018, Đồng Tháp sản xuất 130.000ha; tính đến cuối tháng 8 đã xuống giống hơn 110.300ha, trong đó nhiều diện tích bị nước lũ đe dọa. Trước những nguy cơ trên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu các địa phương tăng cường gia cố đê bao, huy động lực lượng tuần tra bảo vệ và sẵn sàng máy móc bơm rút nước. Đối với những nơi sạ sớm và lúa đã chín thì thu hoạch nhanh; đồng thời khuyến cáo nông dân không tiếp tục xuống giống vụ thu đông nhằm tránh nguy cơ bị thiệt hại…
Theo nhiều nông dân tính toán, bình quân 1ha lúa thu đông nếu thuận lợi, không bị ngập lũ, bán được giá 5.000 đồng/kg trở lên thì lợi nhuận khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha. Ngược lại, nếu lúa bị vỡ đê mất trắng, nông dân thua lỗ 20 - 25 triệu đồng/ha. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ở vùng lũ ĐBSCL cho rằng, thời gian qua đã nỗ lực tìm kiếm nhiều mô hình sản xuất mùa lũ như: nuôi cá đồng, nuôi tôm, lươn, trồng sen, rau màu… nhằm thay thế cho lúa thu đông. Khá nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Tuy nhiên, vấn đề là rất khó nhân rộng đại trà với diện tích lớn, bởi gặp trở ngại về đầu ra, điều kiện sản xuất, vốn, môi trường… trong khi cây lúa thì sản xuất nhiều, dễ tiêu thụ. Do đó, dù lúa thu đông thường gặp rủi ro nếu xảy ra lũ lớn, nhưng nhiều hộ vẫn làm. Điều này cho thấy, chủ trương giảm lúa thu đông, áp dụng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mùa lũ ở ĐBSCL còn nhiều gian nan… |
Nhiều năm trước các nhà khoa học đã nhiều lần khuyến cáo nông dân ĐBSCL cân nhắc việc sản xuất tràn lan lúa thu đông mùa lũ, đặc biệt, ở những nơi canh tác liên tục 3 vụ/năm khiến đất đai bạc màu, mầm bệnh lưu tồn… Các nhà khoa học đề xuất giảm diện tích lúa thu đông nhằm xả lũ lấy phù sa, cải tạo đất và giảm rủi ro về chống lũ. Vấn đề này xem ra hợp lý nhưng thực tế khó áp dụng, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Điển hình như ở huyện Tri Tôn (An Giang), vụ thu đông này xuống giống khoảng 13.088ha thì có hơn 8.000ha lúa nằm ngoài đê bao. Tri Tôn cũng là huyện có diện tích lúa thu đông bị lũ làm thiệt hại nhiều nhất ở tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL những ngày qua.
Giải thích việc người dân ào ạt trồng lúa thu đông ngoài đê bao dẫn tới thiệt hại, ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, nói: “Có thể người dân thấy mấy năm rồi lũ nhỏ nên thiếu sự chuẩn bị, cộng với nhiều hộ đã thuê đất sản xuất nên phải làm thêm lúa thu đông hy vọng tăng thu nhập…”