Đã qua rồi cái thời người làm nước mắm truyền thống ở xứ biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận phải tự mình đến từng tiệm tạp hóa, quán ăn để mời chào sản phẩm. Nước mắm Phan Thiết hôm nay đã có mặt rộng rãi, được mọi người đón nhận bởi sự uy tín và chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện về tái phục hồi, nghề làm nước mắm cổ truyền có tuổi đời hàng trăm năm này lại đang có những nỗi lo mới.
Đầu vào khan hiếm, đầu ra gặp khó
Thời điểm này năm ngoái, ông Nguyễn Hữu Dũng, chủ cơ sở nước mắm Bà Hai (phường Phú Hài, TP Phan Thiết), đã có đủ nguồn cá cơm để muối mắm, nhưng năm nay dù tìm “đỏ con mắt” vẫn chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu sản xuất.
Ông Hữu Dũng lo lắng: “Chưa năm nào nguồn nguyên liệu cá cơm lại khan hiếm như năm nay. Nhiều tuần qua, chúng tôi đã lùng sục khắp nơi tìm mua nguyên liệu nhưng đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sản xuất. Nếu tình trạng này còn kéo dài, có thể nhiều cơ sở nước mắm như của gia đình tôi phải tạm dừng sản xuất”.
Trước thực trạng trên, hiện nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở TP Phan Thiết đã buộc phải thay thế nguồn nguyên liệu cá cơm bằng các loại cá khác để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, họ thừa nhận việc thay thế nguyên liệu tạm thời này sẽ làm cho chất lượng nước mắm cũng như uy tín thương hiệu “Nước mắm Phan Thiết” suy giảm.
Trong khi câu chuyện về nguồn nguyên liệu còn dang dở, ông Trương Quang Hiến bất ngờ quay sang câu chuyện đầu ra của nước mắm truyền thống Phan Thiết cùng với những cái lắc đầu đầy lo lắng. Sau sự việc nước mắm truyền thống bị vu oan nhiễm asen, nghề làm nước mắm cổ truyền nơi đây từng lao đao một thời gian rồi mới dần vực dậy. Thế nhưng, do nhiều yếu tố, nghề làm nước mắm cổ truyền ở xứ biển Phan Thiết vẫn chưa thể phát triển mạnh so với tiềm năng sẵn có.
Theo Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, hiện đơn vị đang có 42 thành viên, nhưng trong số này không nhiều cơ sở có đủ điều kiện về vốn để sản xuất nước mắm thành phẩm bán ra thị trường, còn lại khoảng 70% - 80% thành viên chủ yếu sản xuất rồi bán sản phẩm thô cho các tập đoàn, công ty sản xuất nước mắm công nghiệp. Lý do, các doanh nghiệp trên không có vốn đầu tư trang bị dây chuyền đóng chai thành phẩm, dẫn đến không thể mở rộng thị trường, tái đầu tư cơ sở sản xuất bài bản để cạnh tranh với thương hiệu nước mắm truyền thống ở các tỉnh, thành khác.
“Chấp nhận bán nước mắm thô cũng có nghĩa chấp nhận bán đi thương hiệu của mình. Thế nhưng, hiện hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm ở đây rơi vào cảnh “tay không bắt giặc”, rồi lại chịu sự cạnh tranh của các hãng nước mắm công nghiệp nên họ đành chấp nhận làm vậy để tồn tại”, ông Trương Quang Hiến giãi bày.
Do khai thác tận diệt
Lý giải về nguyên nhân nguồn cá cơm bỗng nhiên bị suy giảm, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho rằng do tình hình thời tiết ít thuận lợi, biến động theo mùa và con nước. Tuy nhiên, trao đổi thẳng thắn, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho biết, số lượng đông đảo tàu cá với nghề lưới kéo hoạt động gần bờ theo kiểu tận diệt, chính là nguyên nhân dẫn đến suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, trong đó có cá cơm. Đồng thời, việc hàng loạt cơ sở sản xuất bột cá (nguyên liệu dùng làm thức ăn cho gia súc) hoạt động ở địa phương cũng là mối nguy lớn đối với nghề làm nước mắm ở Phan Thiết.
Những người tâm huyết với nghề nước mắm truyền thống ở TP Phan Thiết từng có ý tưởng đưa sản phẩm truyền thống của địa phương trở thành điểm đến để phát triển ngành du lịch. Và rồi khi Cụm công nghiệp chế biến nước mắm Phú Hài (TP Phan Thiết) ra đời, nhiều người đã vui mừng và kỳ vọng nơi đây sẽ có một làng nghề nước mắm tập trung sạch - đẹp, không gây ô nhiễm môi trường và tạo cơ hội quảng bá sản phẩm nước mắm Phan Thiết nói riêng và du lịch tỉnh Bình Thuận nói chung đến với du khách. Thế nhưng, không hiểu sao trong cụm công nghiệp này lại xuất hiện hàng loạt cơ sở không liên quan gì đến nước mắm, như sản xuất bột cá, sản xuất phân vi sinh… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên không thu hút được khách du lịch. |
Do vậy, những người làm nghề nước mắm truyền thống ở TP Phan Thiết đang rất cần cấp quản lý nhà nước phải có giải pháp can thiệp, kiểm soát và bảo vệ nguồn nguyên liệu thủy hải sản. Trong đó, biện pháp cấm khai thác đánh bắt cá cơm vào mùa sinh sản để phát triển và tái tạo bầy đàn nhanh là việc làm cấp thiết. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi hơn nữa cho những nghề truyền thống, trong đó có nghề làm nước mắm. Việc gia hạn nợ vay, miễn giảm lãi suất cho các cơ sở sản xuất nếu được quan tâm sẽ tạo cơ hội rất lớn để nước mắm Phan Thiết có thể trụ vững và không bị mất đi.