Ca sĩ Tấn Sơn chia sẻ, anh đã gắn bó với TPHCM hơn 35 năm, từ ngày vào đại học. Biết bao nhiêu buồn vui, thăng trầm, kỷ niệm in dấu từng con phố, từng ngôi trường, từng ánh mắt, vòng tay bè bạn, người thân.
Năm ngoái, khi nhìn thấy thành phố nằm im trong ánh đèn vàng, anh cảm thấy như một người thân trong cơn đau nặng. “Và với sự chia sẻ của con trai từ phương xa, tôi viết ra ca khúc này trong một đêm khó ngủ”, ca sĩ Tấn Sơn nói.
Lâu nay, mọi người vẫn thường biết đến Tấn Sơn qua việc thể hiện những khúc hát nhạc Trịnh với chất giọng ấm áp, trữ tình. Khi đảm nhận vai trò sáng tác, Tấn Sơn lại cho khán giả nhìn thấy một hình ảnh khác: tinh tế và nhạy cảm trước những biến động của cuộc sống.
Nhiều năm trước, Tấn Sơn sáng tác Chiếc gối với thông điệp đầy yêu thương dành cho du học sinh xa nhà trong những ngày xuân cận kề và bây giờ anh mang đến một Phố phôi phai (hòa âm bởi Cà Pháo) với nỗi niềm yêu thương dành cho nơi chốn quen thuộc. Những sáng tác của anh tuy không cầu kỳ, phức tạp nhưng lại rất có chiều sâu, cả về nội dung lẫn giai điệu.
Mở đầu Phố phôi phai là những nốt trầm ngân nga, kéo dài như những khoảng lặng mà chúng ta phải trải qua khi dịch bệnh vừa kéo đến. Giai điệu bài hát mang đến cảm giác vừa gợi mở, vừa hồi tưởng.
Điểm trên đó là những ca từ trĩu nặng tâm sự được thể hiện qua giọng ca của ca sĩ Bảo Yến: "Một chiều về trên phố phôi phai/ Chiều vàng dần nhạt nắng trên vai/ Bờ vai đã xa, những bôn ba một thời vội vã/ Thẫn thờ nhìn thành phố lên đèn, mỏi mòn tìm một bóng dáng quen/ Người quen chốn xưa, dưới hiên mưa, ngóng ai thêm thừa..."
Có thể thấy, trong 2 năm đầy khó khăn, đời sống con người đã có sự chững lại với những nốt trầm trong mặt cảm xúc. Tấn Sơn không chọn kể những điều lớn lao, anh nhìn cuộc sống một cách chậm rãi, chiêm nghiệm. Rồi từ những chiêm nghiệm biến hóa thành ca từ.
Trên nền giai điệu giàu chất hồi tưởng, ca sĩ Bảo Yến đã đưa vào đó chút phiêu lãng mà suy tư của một giọng hát lắng đọng theo năm tháng. Chính độ sâu trong giọng hát của ca sĩ Bảo Yến đã giúp cho bài hát nhuốm một màu trầm buồn nhưng rất đẹp.
Tuy đã bước qua giai đoạn “60 năm cuộc đời” nhưng Bảo Yến vẫn là một tượng đài trong lòng những khán giả yêu nhạc trữ tình. Qua thời gian, âm sắc trong giọng hát không những không mất đi độ sâu mà còn được điểm thêm chất liệu thời gian. Như thứ rượu lâu năm, càng ủ càng say đắm.
Và khi thể hiện khúc hát của Tấn Sơn, Bảo Yến đã hát bằng cảm xúc nâng niu với những khía cạnh sắc nét, rõ ràng của một giọng hát nội lực. Vẫn là những giai điệu trữ tình quen thuộc, vẫn là những điều đã từng mắt thấy tai nghe trong thời dịch bệnh nhưng giờ đầy lưu luyến qua cách kể chuyện bằng âm nhạc của Tấn Sơn và Bảo Yến.
Bằng những giai điệu mộc mạc, đơn giản, Phố phôi phai như một thước phim của cuộc sống được Tấn Sơn mở ra và tua chậm lại cho mọi người cùng nhìn thấy. Đó là một thành phố với những kỷ niệm, những buồn vui, những biến cố, những thăng trầm: "Sài gòn của tôi phai phôi gió sương trên đường phố cũ/ Sài gòn của em bon chen nắng mưa bên hè phố xưa".
Đó còn là thứ âm nhạc của sự tối giản. Nơi không có những câu từ hay nhịp điệu bắt trend mà chỉ chú trọng vào phần cảm xúc do giọng hát trầm ấm, khỏe khoắn nhưng cũng đầy tình cảm của Bảo Yến cùng với những ca từ sâu lắng mang theo “chất” Tấn Sơn rõ nét.
Đặc biệt hơn, họa sĩ Lê Sa Long khi nghe về dự án đã tặng những bức tranh về TPHCM để làm hình nền cho video Phố phôi phai. Bộ tranh được anh thực hiện trong thời kỳ giãn cách xã hội và nhận được nhiều sự yêu thích từ phía cộng đồng.