Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết bão Yass có khả năng tạo ra những con sóng cao hơn mái nhà tại một số khu vực. Tại những khu vực ven biển, gió bắt đầu mạnh dần lên với sức gió 155km/giờ kèm theo mưa lớn.
Trong khi đó, nhà chức trách cho biết một trận lốc xoáy được cho có liên quan tới bão Yaas đã quét qua quận Hooghly của bang Tây Bengal, khiến 2 người tử vong vì bị điện giật.
Giới chức thành phố Kolkata, thủ phủ của Tây Bengal, đã ra lệnh đóng cửa sân bay quốc tế trong ngày 26-5. Sân bay ở thủ phủ Bhubaneswar của bang Odisha cũng đã đóng cửa.
Người đứng đầu cơ quan y tế bang Odisha Naveen Patnaik kêu gọi người dân không “hoảng sợ” và tránh xa khu vực bờ biển. Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia đã huy động 4.800 nhân viên tham gia công tác ứng phó bão tại hai bang Tây Bengal và Odisha.
Tây Bengal và Odisha là 2 bang đang phải “gồng mình” đối phó với làn sóng dịch Covid-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 120.000 người tại Ấn Độ trong 6 tuần qua. Mặc dù khẩu trang đã được phân phát trong các nơi trú ẩn khẩn cấp và các nhân viên cứu trợ đang nỗ lực đảm bảo quy định giãn cách xã hội để phòng dịch, nhiều quan chức lo ngại cơn bão Yaas sẽ làm tăng tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2.
Ông Udaya Regmi,người đứng đầu Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Nam Á, cho biết bão Yaas càng khiến cuộc sống của hàng triệu người dân thêm chồng chất khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế bang Tây Bengal, Bankim Chandra Hazra nhấn mạnh việc đảm bảo giãn cách xã hội trong các trại trú ẩn sẽ là “một thách thức lớn”.
Bão Yaas đổ bộ Ấn Độ chỉ một tuần sau khi siêu bão Tauktae tràn vào bờ biển miền Tây nước này, khiến ít nhất 155 người thiệt mạng.
Vào thời điểm này hằng năm, tại Vịnh Bengal thường xảy ra những cơn bão mạnh và đổ bộ vào khu vực bờ biển Ấn Độ cũng như Bangladesh, gây ra tổn thất nặng nề. Một số cơn bão có sức tàn phá mạnh nhất trong lịch sử đã từng xảy ra tại đây, cụ thể cơn bão vào năm 1970 đã khiến nửa triệu người ở Bangladesh thiệt mạng. Trong khi đó, cơn bão nguy hiểm nhất từng xảy ra ở bang Odisha trong năm 1999 cũng đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người.