Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn xung quanh vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc, sau 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vở kịch Dấu xưa phục vụ tuyên truyền về thực hiện
việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: THÚY BÌNH
việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: THÚY BÌNH
Những áp lực tạo sự mai một
Trước hết là áp lực từ tư duy lý luận về văn hóa dân tộc. Trong khối lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật và văn hóa mà chúng ta đã có trong 50 năm, những gì là thuộc về “văn hóa dân tộc”? Sự giao lưu, hội nhập phát triển siêu tốc giữa văn hóa, văn nghệ Việt Nam với văn hóa, văn nghệ thế giới thời hiện đại rất dễ tạo ra một sự ngộ nhận rằng văn hóa, văn nghệ hiện đại là không có bản sắc hoặc nhạt màu sắc, cạn bản sắc. Như vậy tức là đem thành tựu của thực tại văn hóa, văn nghệ Việt Nam đặt sóng đôi với màu sắc, bản sắc, dân tộc thời xưa để xem xét, như vậy thật khó chính xác.
Cần phải hiểu rằng, dân tộc Việt Nam hiện nay, với cả một quá trình giao lưu, hội nhập với văn hóa thế giới đã tạo cho mình những tư duy sáng tạo, nhu cầu thưởng thức, khả năng tiếp nhận văn hóa, văn nghệ mới, khác với ngay cả những gì do giao lưu, hội nhập với văn hóa, văn nghệ thế giới mà tiếp nhận được, chuyển hóa được thành của ta. Chúng ta cần xem đó là thuộc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam - Việt Nam thời hiện đại.
Tư duy lý luận về bảo vệ văn hóa, văn nghệ dân tộc cũng phải hết sức nhạy bén trong sự nhận thức tất yếu. Có những di sản tất yếu bị mai một, chúng ta cũng phải tìm cho chúng những vị trí xứng đáng trong bảo tàng, trong hệ thống tri thức của những lớp quần chúng thích hợp. Không nên phục hồi, phục hiện với hy vọng công chúng sẽ tiếp nhận hồ hởi.
Một áp lực khác tạo nên nguy cơ mai một kho tàng văn hóa Việt Nam hiện đại là sự tụt hậu về phương tiện bảo vệ. 50 năm qua, chúng ta đã tạo ra được rất nhiều tác phẩm văn hóa - nghệ thuật nhưng lại được lưu giữ thô sơ và lạc hậu. Phim qua mấy năm lưu trữ đem ra chiếu lại đã đỏ quạch, nhòe nhoẹt. Chúng ta có rất ít kịch bản văn học cho sân khấu được viết hoàn chỉnh, được in thành sách theo đúng chuẩn mực in ấn. Kịch sau khi dựng, thấy lỗ lã là thôi luôn. Các tác phẩm hội họa và điêu khắc, một phần còn nằm ở dạng phác thảo, một số đã hoàn chỉnh thì do eo hẹp về tiền bạc nên có quy mô khiêm tốn… Lạc hậu trong cuộc chạy đua chiếm lĩnh các đỉnh cao về khoa học - kỹ thuật, chúng ta khó lòng bảo vệ được các thành tựu về văn hóa, văn học, nghệ thuật đã có ở thời hiện đại.
Những người nắm chìa khóa tiền bạc trong cơ chế thị trường không phải luôn là người am hiểu các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật. Một số chạy đua theo lợi nhuận thực hiện các dự án thấp kém mà kiếm được nhiều lời; một số khác, do quan điểm sai lầm, chống đối nên chủ trương thực hiện các tác phẩm xấu, làm bộ mặt thành tựu văn hóa, văn học, nghệ thuật bị méo mó.
Giữ gìn bản sắc dân tộc
Trong việc giao lưu, tiếp nhận văn hóa, đối với thực tế của Việt Nam, điều cần chú ý là chuẩn bị nội lực tiếp nhận văn hóa quốc tế vào mà có ích, có lợi cho ta và có được những gì gọi là “văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt Nam” mà quốc tế chịu tiếp nhận vì có ích, có lợi chung. Sự chuẩn bị này cần mang tính chất toàn diện, nhưng trước hết là sự chuẩn bị một hệ thống lý luận về thế nào là “văn hóa” và thế nào là “văn hóa Việt Nam định hướng XHCN”; thế nào là “bản sắc dân tộc” và “bản sắc dân tộc của một Việt Nam” với 54 dân tộc hợp lại là như thế nào. Trong hệ thống lý luận mà Việt Nam cần hoàn chỉnh, lý luận về “định hướng” là đặc biệt quan trọng. Nếu chưa hoàn chỉnh tới một mức độ tương đối nào đó mà chúng ta cứ mở toang cánh cửa cho giao lưu, tiếp nhận văn hóa thì khó có thể tránh khỏi tình trạng hại nhiều hơn lợi.
Vấn đề đặt ra thuộc loại phức tạp nhất là chấp nhận sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa trong sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Chúng ta phải phấn đấu đạt được cả hai điều: sản phẩm văn hóa xuất ra - nhập vào, kể cả sản phẩm kế thừa từ quá khứ đều phải vừa là sản phẩm thu “lời lãi” cao về mặt truyền bá tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, nghệ thuật; vừa phải thu được lời lãi về tiền bạc theo nghĩa vật chất cụ thể. Chúng ta không chịu bó tay, không chịu thua thiệt về mặt hiệu quả tinh thần, đồng thời cũng không thể bao cấp cho văn hóa. Nghĩa là phải tiến hành giao lưu và tiếp nhận văn hóa có định hướng với những điều kiện vật chất khiêm tốn mà chúng ta có thể có.
Ngay văn hóa quá khứ của bản thân nước ta muốn hội nhập vào văn hóa hiện đại cũng phải thông qua việc phục hồi, phục hiện, mới có thể lưu truyền, truyền bá - những công việc mà khoa học, kỹ thuật hiện đại giữ một vai trò cực lớn. Khoa học kỹ thuật ở nhiều nước trên thế giới đang hỗ trợ đắc lực cho việc phục hiện, lưu giữ, truyền bá… văn hóa quá khứ của họ nên không phải luôn luôn phù hợp với định hướng của ta. Mặt khác, thông qua phương tiện khoa học, kỹ thuật hiện đại, quá trình giao lưu đang chuyển tải vào văn hóa hiện đại quốc tế một khối lượng di sản lớn, quý mà phần đóng góp của văn hóa quá khứ Việt Nam vào đó xem chừng quá ít. Ít không phải vì di sản văn hóa quá khứ của ta nghèo nàn mà chủ yếu chúng ta nghèo và lạc hậu về phương tiện, khoa học và kỹ thuật để phục hồi, phục hiện, lưu giữ và nhất là truyền bá nó. Đây là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu trong những nỗ lực sắp tới của đất nước.
Trong sự nghiệp bảo vệ văn hóa dân tộc nói chung, chúng ta không những không được bỏ quên mà còn phải tập trung cao độ cho việc bảo vệ văn hóa dân tộc thời hiện đại. Nói rộng hơn, thành tựu lý luận bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam 50 năm nay của các lĩnh vực thuộc đời sống văn hóa - nghệ thuật đều thuộc phạm vi thành tựu văn hóa Việt Nam hiện đại, cần được bảo tồn và quan trọng hơn, cần được phát triển đúng hướng, đúng định hướng.