Bảo vệ và thực thi bản quyền trên môi trường số: Thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo

Bảo vệ bản quyền trên môi trường số luôn được xem là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế sáng tạo. Tại hội thảo về nội dung này vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ hiệu quả thì nền kinh tế sáng tạo mới có thể thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế và xã hội.

Khó kiểm soát

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và môi trường số đã mang lại cơ hội lớn cho việc sáng tạo và phân phối nội dung, nhưng cũng kéo theo những thách thức nghiêm trọng về bảo vệ bản quyền. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bà Phạm Thị Kim Oanh, chỉ ra: “Các đối tượng vi phạm dễ dàng hưởng lợi bất chính từ việc tải lên, sao chép và phát tán trái phép các sản phẩm trí tuệ, gây khó khăn cho việc xử lý trong thẩm quyền tài phán quốc gia”.

#6a.jpg
“Cô Ba Sài Gòn” bị livestream trái phép ngay khi đang chiếu. Ảnh: ĐPCC

Một trong những khó khăn lớn nhất là tính chất xuyên biên giới của các hành vi vi phạm bản quyền. Các nền tảng số cho phép việc tải lên và phát tán trái phép nội dung diễn ra nhanh chóng, không giới hạn về địa lý. Ngay cả sau khi bị xử lý, các trang web tương tự với tên miền khác lại tiếp tục xuất hiện, tạo thành một vòng lặp vi phạm chưa hồi kết. Điển hình như trang web phimmoi.com sau rất nhiều lần bị ngăn chặn đã mọc ra vô số trang tương tự như phimmoiiii.com, phimmoicill, phimmoizzz…

Khó khăn khác nằm ở sự thiếu đồng bộ và kịp thời trong các quy định pháp lý. Trong khi công nghệ số phát triển nhanh chóng, khung pháp lý nhiều khi không theo kịp thực tiễn. Các nền tảng thương mại điện tử, vốn đóng vai trò trung gian, thường không được quy định rõ ràng về trách nhiệm xử lý vi phạm bản quyền. Ngoài ra, công cụ nhận diện và bảo vệ bản quyền chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng các sản phẩm vi phạm bản quyền được bày bán hoặc chia sẻ công khai mà không có cơ chế giám sát và gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền một cách kịp thời.

Gây thiệt hại lớn

Vi phạm bản quyền không chỉ làm giảm giá trị của các sản phẩm trí tuệ mà còn tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo. Kinh tế sáng tạo là một lĩnh vực đặc thù, dựa trên sự đổi mới và sáng tạo để tạo ra giá trị. Khi các tác phẩm sáng tạo bị xâm phạm bản quyền, doanh thu từ các sản phẩm này bị giảm sút, khiến các nhà sáng tạo và doanh nghiệp mất động lực đầu tư vào các dự án mới. Một nghiên cứu từ Liên minh châu Âu cho thấy, hành vi vi phạm bản quyền trong ngành công nghiệp âm nhạc và phim ảnh đã gây thiệt hại hàng tỷ EUR mỗi năm cho các quốc gia châu Âu.

Ngành công nghiệp điện ảnh là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, làm giảm đáng kể doanh thu phòng vé, khiến các nhà sản xuất chịu tổn thất lớn về tài chính và làm mất đi động lực để đầu tư vào các dự án mới. Gần đây nhất, phim Ròm đã phải đối mặt với việc các bản lậu xuất hiện chỉ vài ngày sau khi công chiếu. Trước đó, Cô Ba Sài Gòn đang chiếu rạp thì bị livestream trái phép trên một fanpage… Tại buổi ra mắt phim Mai đầu năm 2024, Trấn Thành gần như nài nỉ khán giả hãy ủng hộ phim Việt bằng cách “đừng quay lén, đừng spoil, đừng xem lậu”.

Không chỉ dừng lại ở điện ảnh, ngành xuất bản cũng chịu tổn thất nặng nề. Sách lậu được bán trên các nền tảng thương mại điện tử với giá rẻ đã làm suy giảm doanh thu của các nhà xuất bản, làm giảm khả năng tái đầu tư vào những tác phẩm có giá trị. Tương tự, lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật số cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các sản phẩm của họ bị chia sẻ trái phép trên các nền tảng như YouTube hoặc các trang web nghe nhạc không bản quyền.

Không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân và doanh nghiệp, vi phạm bản quyền còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia. Theo Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, hành vi vi phạm bản quyền làm giảm thu nhập từ thuế của Chính phủ do các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp không được kiểm soát. Đồng thời, nó làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự trỗi dậy của các nền kinh tế kỹ thuật số.

Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường tôn trọng bản quyền. Nâng cao nhận thức về giá trị của bản quyền thông qua các chiến dịch tuyên truyền là yếu tố cần thiết để khuyến khích văn hóa sử dụng sản phẩm trí tuệ hợp pháp. Đồng thời, doanh nghiệp (đặc biệt là các nền tảng số) cần thể hiện vai trò trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ bản quyền. Điều này không chỉ giúp họ tránh các rủi ro pháp lý mà còn tạo dựng niềm tin với người dùng và các nhà sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục