PV: Xin đồng chí cho biết tình hình các công trình, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TPHCM hiện nay?
* Giám đốc Sở VH-TT TPHCM TRẦN THẾ THUẬN: Trên địa bàn TPHCM hiện có 185 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 125 di tích cấp thành phố. Từ năm 2020 đến nay, TP đã xếp hạng được nhiều di tích như: trụ sở UBND TPHCM (quận 1), đình Linh Đông, đình Thái Bình (TP Thủ Đức), đình Bình Trị Đông (quận Bình Tân), đình An Hội, miếu Sa Tân (quận Gò Vấp), Khu tưởng niệm bộ đội An Điền và Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hy sinh tại vùng Bưng Láng Sấu (huyện Bình Chánh) và chùa Từ Quang (huyện Hóc Môn). Hiện Sở VH-TT TP đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích cho các công trình: Trụ sở Cục Hải quan TPHCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, chợ Tân Định (quận 1), chùa Chantarangsay (quận 3) và phối hợp Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trình tổ chức UNESCO ghi vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.
Nhiều công trình, di tích văn hóa, lịch sử (được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp thành phố) đang xuống cấp trầm trọng, nhưng chậm được tu bổ, vì sao?
* Đúng là trên địa bàn TPHCM có nhiều công trình, di tích văn hóa, lịch sử xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đơn cử như các di tích: đình Tân Quy Đông (quận 7), đình Tân Hội (quận 12), đình Tân Túc, đình Phú Lạc (huyện Bình Chánh), đình Linh Đông (TP Thủ Đức)… nhiều năm nay chưa được tu bổ, phục hồi.
Nguyên nhân chậm tu bổ, phục hồi các công trình, di tích văn hóa, lịch sử xuống cấp là do khó khăn nguồn kinh phí. Ngoài ra, cần phải thực hiện đúng các thủ tục, quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… Trong khi đó, về chính sách, hiện chưa có cơ chế riêng tạo thuận lợi đối với việc tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Từ đợt khảo sát vừa qua, Sở VH-TT TPHCM có phương án gì trong việc tu bổ các di tích xuống cấp?
*Sở VH-TT TPHCM đã có phương án đầu tư, tu bổ một số công trình, di tích xuống cấp như: Di tích khảo cổ quốc gia Lò Gốm Hưng Lợi (quận 8), đình Nam Tiến (quận 4), đình Tân Quy Đông, đình Xuân Hòa (quận 3), Kho bom Phú Thọ (quận Tân Bình), Khu di tích Dân công hỏa tuyến (huyện Bình Chánh)… Sở còn phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận huyện lập báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư 8 dự án tu bổ với tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng. UBND các quận huyện và TP Thủ Đức cũng đang xin chủ trương đầu tư công cho 35 công trình, di tích đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo phản ánh của giới chuyên gia, việc quản lý di sản văn hóa phi vật thể thời gian qua có nhiều bất cập, chưa phát huy hết giá trị vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Đồng chí có nhận định gì?
*Trên địa bàn TPHCM hiện có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (hát ca trù, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ) và 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở quận 5 và Lễ hội Khai hạ - cầu an tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt quận Bình Thạnh). Hiện sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn lân sư rồng, Lễ hội Kỳ yên đình thần Thủ Đức.
Bất cập, hạn chế lớn nhất trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là việc lập hồ sơ chưa quy định rõ vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị, trong khi cộng đồng chủ thể nắm giữ di sản đóng vai trò quan trọng. Điều này làm cho một số di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; tính sáng tạo, lan tỏa giá trị của di sản trong cộng đồng bị hạn chế rất nhiều.
Để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trong đời sống xã hội, cần có những điều chỉnh, bổ sung quy định gì cho phù hợp với thực tế, thưa đồng chí?
*Tôi cho rằng cần sửa đổi Luật Di sản văn hóa cho phù hợp với tình hình thực tế; xem xét ban hành đơn giá áp dụng riêng đối với các dự án, báo cáo kinh tế, kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, quy chuẩn về nguyên vật liệu thực hiện trong tu bổ, tôn tạo di tích và quan tâm bố trí nguồn vốn tu bổ, phục hồi di tích đối với nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện. Trước mắt, khẩn cấp bố trí nguồn ngân sách hàng năm để tu sửa cấp thiết các di tích (khoảng 5 di tích/năm) bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập.