Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và người chưa thành niên ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính phủ đã có chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và Chỉ thị số 17/CT-TTg về thực hiện phòng chống tai nạn thương tích đuối nước cho học sinh, trẻ em. Dù vậy, trẻ em Việt Nam bị đuối nước vẫn ở mức cao so với khu vực.
Không chỉ vụ việc 8 em nhỏ đuối nước ở Hòa Bình mới đây mà trước đó là nhiều vụ đuối nước ở miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, rất đau xót, thương tâm. Thông tin mới đây, trong cuộc họp của Ủy ban quốc gia về trẻ em do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cho thấy, tại Việt Nam, mỗi năm vẫn có tới hơn 2.000 trẻ em bị đuối nước. Những vụ đuối nước của trẻ em luôn gây nỗi đau, nhất là những vụ đuối nước đông người. Chúng ta luôn mong muốn các cơ quan chức năng phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa để hạn chế những cái chết thương tâm. Không chỉ dạy bơi cho trẻ mà phải tạo nên được môi trường an toàn cho trẻ, đơn cử như phải có các cảnh báo ở những khu vực ao hồ, sông suối nguy hiểm để người dân, nhất là các em nhỏ phòng tránh.
Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, ao hồ rất nhiều. Bản chất con người là thích nước, nhất là trẻ nhỏ. Vì thế, không thể khuyến cáo các em tránh thật xa sông ngòi, thay vào đó phải dạy cho các em kỹ năng bơi, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh nguy hiểm của sông nước, giúp các em nhận biết, không chủ quan với mạng sống của chính mình. Cần hạn chế việc các em không được biết, không được dạy bơi. Phụ huynh có con nhỏ trước khi dạy con bơi, phải dạy con cách an toàn, ví như luôn mang theo phao khi bơi và phao phải trong tầm với; phải hiểu rõ khu vực bơi lội; cách để cứu người đang hoảng loạn do đuối nước...
Khi sự cố 8 học sinh ở Hòa Bình bị đuối nước xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các tỉnh, thành tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em, đồng thời giao Bộ Công an điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp khiến 8 cháu bị đuối nước. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em; vận động các gia đình quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là trong mùa mưa bão và nước nổi; các gia đình cần chủ động cho trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em; quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước…
Rõ ràng, đẩy mạnh dạy bơi cho trẻ, đưa các khóa huấn luyện bơi vào học đường, kêu gọi cộng đồng giám sát trẻ tốt hơn sẽ giúp giảm đuối nước trẻ em, tăng cường hướng dẫn an toàn dưới nước. Đó là những giải pháp phòng chống đuối nước hiệu quả cần được đẩy mạnh.