Việc xây dựng môi trường an toàn này được cả hệ thống chính trị, toàn xã hội chung tay hành động, song số liệu cho thấy trong 9 tháng năm 2019 số vụ trẻ bị bạo hành, bị xâm hại lại tăng.
Trẻ bị bạo hành, xâm hại vẫn tăng
Vào đầu tháng 10-2019, dư luận không khỏi phẫn nộ khi biết thông tin cháu V.Q.K. 10 tuổi (ngụ quận 11, TPHCM) bị cha ruột đánh bầm tím vùng mông, lưng và đùi. Sau khi vụ việc được cô giáo phát hiện và trình báo cơ quan chức năng, cha K. tiếp tục được giao nuôi dưỡng K. sau khi cam kết không tái phạm việc đánh con.
Điều đáng nói, 8 năm trước cha mẹ K. đã có quyết định ly hôn của tòa án và K. được giao cho mẹ nuôi dưỡng. Thế nhưng, khi cha K. tự ý giữ con lại nhà sau thời gian đón về thăm nom, người mẹ không lên tiếng phản đối, để cuối cùng K. bị bạo hành một thời gian dài.
Giảng viên Doãn Thiên Ngọc (Trường Đại học Hoa Sen) cho biết bà từng giúp đỡ bé H. (9 tuổi, bán vé số) bị anh trai mình xâm hại. Nhưng khi H. kể chuyện này với mẹ thì người mẹ lại nói rằng anh trai chỉ đùa giỡn. Chính sự dung túng này của mẹ đã khiến H. bị anh mình xâm hại nhiều lần.
Trên thực tế, không ít vụ việc trẻ bị xâm hại một thời gian dài. Dù biết, nhưng người mẹ lại chọn cách im lặng cho qua. Theo thống kê, trong 3 năm trở lại đây, cơ quan điều tra 2 cấp của TPHCM đã khởi tố 310 vụ với 220 bị can về các tội xâm hại tình dục trẻ em. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tăng đột biến, có 59 vụ với 45 bị can bị khởi tố (trên thực tế, số liệu các vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa được phát hiện có thể còn cao hơn).
Theo đó, độ tuổi trẻ bị xâm hại từ 13-16 tuổi chiếm 68,18%, từ 7-13 tuổi chiếm hơn 29%. Hầu hết các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ đều có mối quan hệ quen biết với trẻ. Các đối tượng lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng tự vệ của trẻ để dụ dỗ, lôi kéo trẻ nhằm thực hiện hành vi xâm hại.
Tại hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn TPHCM, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cho biết, đa phần những vụ xâm hại tình dục trẻ đều xảy ra trên địa bàn sinh sống của người lao động nghèo, cha mẹ chỉ lo kiếm tiền, ít quan tâm con trẻ.
Ngoài ra, một trong những khó khăn khi khởi tố vụ án chính là sự thiếu hợp tác giữa gia đình nạn nhân với cơ quan điều tra. Nhiều người mẹ do mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến tương lai con trẻ và tai tiếng cho gia đình nên ngại tố cáo, chấp nhận thỏa thuận bồi thường là xong…
Sâu sát từng đứa trẻ
Thời gian qua, nhiều chương trình, mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã được áp dụng nhằm giúp nâng cao nhận thức cho phụ nữ, đặc biệt là đối tượng nữ công nhân tại các khu xóm trọ. Ở một số địa phương, phần nào giảm được tình trạng trẻ bị xâm hại, bạo hành.
Phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) có nhiều trẻ em là con công nhân, người lao động. Vì cha mẹ thường xuyên đi làm, những đứa trẻ tự chơi trong xóm trọ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm hại, bạo hành. Hiểu được điều đó, bà Lê Thị Thanh Hoa, thành viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ phường Linh Xuân, đồng thời là nữ chủ nhà trọ, phụ trách 15 khu nhà trọ trên địa bàn phường, hết sức lưu tâm đến đám nhỏ.
Trẻ gặp nguy hiểm hãy gọi 111 111 là số gọi khẩn đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, tiếp nhận mọi thông tin về trẻ em đang cần được giúp đỡ như các vụ bạo lực, xâm hại, buôn bán, bắt cóc… trẻ em. Nhân viên tổng đài trực 24/24 giờ để tư vấn, kết nối, hỗ trợ cách ly trẻ em khỏi gia đình trong trường hợp khẩn cấp. Theo Cục Trẻ em, năm 2018, tổng đài 111 đã tư vấn 27.407 ca, hỗ trợ can thiệp 806 ca. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng đài 111 đã tiếp nhận 764 cuộc gọi. |
Hàng quý, bà Hoa cũng tổ chức các buổi tuyên truyền, chú trọng đến công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi bạo lực gia đình, xâm hại tình dục. “Vừa tuyên truyền tôi vừa ra nội quy, ai bạo hành con em mình, tôi sẽ cắt các khoản hỗ trợ vào những dịp lễ, tết cho chừa”, bà Hoa cười kể.
Tại phường 16 quận 8, mô hình Câu lạc bộ Nữ công nhân nhà trọ do Hội Phụ nữ phường thành lập những năm qua đã phát huy hiệu quả trong việc giám sát tình hình trẻ bị bạo lực, xâm hại trong các xóm lao động.
Theo bà Bùi Thị Kim Hường, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 16, hơn 60 thành viên của câu lạc bộ là lực lượng nòng cốt tại các xóm trọ, khi phát hiện gia đình công nhân nào có dấu hiệu bạo hành trẻ em thì báo ngay cho hội để kịp thời can thiệp. Đối với khu dân cư thì có tổ tư vấn cộng đồng làm “tai mắt” hỗ trợ hội bảo vệ trẻ em. Nhờ đó, tình trạng trẻ bị bạo hành giảm mạnh.
Tuy nhiên, bà Kim Hường cũng như đại diện hội phụ nữ tại các địa bàn có đông công nhân và người lao động cho biết, điều khiến những người làm công tác phụ nữ và trẻ em chưa an tâm là không thể theo sát các cháu từng bị bạo hành, xâm hại. Bởi lẽ nạn nhân chủ yếu là con em công nhân, người lao động ở tứ xứ đến thuê trọ đi làm, khi xảy ra chuyện, chính quyền, đoàn thể quan tâm, thường xuyên thăm hỏi thì chỉ sau đó một vài tháng, những gia đình này lại chuyển đi nơi khác sinh sống.
Điều này khiến hội phụ nữ chưa thể sâu sát nhằm chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ, còn những đứa trẻ đó khi về nơi ở mới liệu có tiếp tục bị bạo hành hay không cũng không cách nào nắm được.
Bà NINH THỊ HỒNG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ Tôi cho rằng, vai trò của hội phụ nữ các cấp trong tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng dạy con cho phụ nữ là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, công tác tuyên truyền có tiến hành nhưng còn mờ nhạt. Ngoài việc tuyên truyền cho các gia đình bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, xâm hại thì cách tốt nhất là dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình. Đơn cử như ngay từ nhỏ đã dạy trẻ cách phân biệt giới tính, ai được đụng chạm cơ thể mình, ai được đến gần hay ai được cầm tay, những người nào thì phải giữ khoảng cách… Bên cạnh đó, nhà trường phải có trách nhiệm thường xuyên giúp trẻ trau dồi các kiến thức về luật bảo vệ trẻ em, về quyền và nghĩa vụ của trẻ em trong gia đình và trong cộng đồng. Riêng trong gia đình, phải có người thật sự tạo được niềm tin tuyệt đối với trẻ, để khi xảy ra bất cứ sự việc nào hay bị ai đe dọa, trẻ cũng tìm được nơi tâm sự, chia sẻ. |
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM: Nâng cao nhận thức của phụ nữ trong gia đình Trong vấn đề bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại, bạo hành, tôi cho rằng vai trò của người phụ nữ trong gia đình là quan trọng nhất; bởi đây là người gần gũi nhất với con trẻ, sau đó mới đến xã hội. Song, giúp người phụ nữ bảo vệ con em họ thế nào thì lại là trách nhiệm của các tổ chức, hội phụ nữ trên địa bàn. Bảo vệ trẻ có 3 cấp độ: phòng ngừa, bảo vệ và can thiệp, trong đó phòng ngừa luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, phải nâng cao hiểu biết cho phụ nữ để biết cách phòng ngừa cho trẻ. Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM kết hợp với hội phụ nữ các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền. Chúng tôi xuống tận nhà trọ để tuyên truyền bằng những câu chuyện thực tế, những hậu quả có thật, thay vì lý thuyết suông. Đó cũng là dịp để hội phụ nữ địa phương gần gũi với các gia đình, tạo cho họ niềm tin rằng nếu con em họ xảy ra chuyện gì thì sẽ có người cùng họ bảo vệ chúng. Khi sự việc không mong muốn xảy ra, người phụ nữ phải mạnh dạn tố cáo đến các cơ quan chức năng để được giúp đỡ và cũng là để kẻ xấu không có cơ hội làm hại đến những đứa trẻ khác. |