Lo lắng từ thực tế
Thống kê từ Cục Trẻ em (thuộc Bộ LĐTB- XH): Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 251 cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, có 142 cuộc gọi liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nghiêm trọng, như: xâm hại tình dục (67 cuộc); bắt nạt trên mạng (20 cuộc); bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (30 cuộc)… Ngoài ra, còn có 98 cuộc gọi để nhờ tham vấn về cách sử dụng internet an toàn cho trẻ em.
Có thể thấy, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều phụ huynh, bởi dù muốn hay không thì nó vẫn là một phần của cuộc sống 4.0. Những kỹ năng ứng xử và tự vệ trên không gian mạng dành cho học sinh cũng được các trường học hiện nay quan tâm, nhưng để thành một môn học chính thức thì vẫn còn khá xa vời.
Có con trong độ tuổi không thể cấm trẻ sử dụng điện thoại, hay lên mạng xã hội, chị Hạnh Nguyên (36 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Bây giờ mà tịch thu điện thoại, hay cấm tụi nhỏ lên mạng đâu có được, nhưng mình không phải lúc nào cũng có thời gian để theo sát con từng chút. Tối nào, tôi với ông xã cũng tranh thủ hướng dẫn con vài kỹ năng và cách tránh những đường dẫn, hay trang web độc hại, nhưng cũng không thể kiểm soát hết tụi nhỏ làm gì khi lên mạng được”.
CyberKid Vietnam tại Hội thảo “An ninh mạng tại Việt Nam - Ngành công nghiệp tỷ đô” |
Có 2 đứa con đều sở hữu điện thoại di động và tùy ý lướt mạng, anh Vũ Huy Hùng (40 tuổi, kiến trúc sư cảnh quan, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ: “Lúc dịch thì lấy lý do là học online, mình đâu có cấm con được, còn phải mua thêm máy tính bảng để hỗ trợ việc học cho tụi nhỏ. Giờ thì xài quen rồi, ba mẹ mà tịch thu lại điện thoại là tụi nhỏ chống đối liền, chỉ còn cách hướng dẫn con, cái nào nên và không nên trên mạng. Nhưng tôi với bà xã cũng đâu có kinh nghiệm gì, hai vợ chồng đọc báo, thấy bài viết cảnh báo về an toàn không gian mạng thì đọc rồi chỉ lại cho con thôi”.
Đồng hành trưởng thành
Từ suy nghĩ “Trẻ em đi trên mạng là lang thang một mình, đi xuyên qua biên giới lãnh thổ mà không có ai đồng hành bảo vệ. Chúng có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào mà người lớn không ai hay biết, vì đấy không phải là vết thương về mặt vật lý”…, tháng 8-2020, một nhóm bạn trẻ đã quyết tâm thành lập CyberKid Vietnam, doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ, hỗ trợ và phát triển năng lực số cho trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam trên không gian mạng.
Phương Trang (thành viên Ban điều hành CyberKid Vietnam) chia sẻ: “Do ảnh hưởng từ dịch bệnh và giãn cách xã hội, việc học online kéo dài đã làm gia tăng thời gian sử dụng internet của trẻ em. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng internet gần như liên tục trong khi trẻ không có đủ kỹ năng bảo vệ bản thân ngày càng phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho các em. Chúng tôi mong muốn hành động ngay để bảo vệ trẻ em trước những hệ lụy đó”.
CyberKid Vietnam hiện đang triển khai 4 giải pháp: Chương trình lớp học “An toàn trên không gian mạng” dành cho nhà trường, cung cấp các lớp học miễn phí từ 45-90 phút tại các trường từ cấp 1 đến cấp 3 nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn, hiệu quả; Chương trình định hướng và phát triển tài năng an ninh mạng nhí dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, cung cấp các lớp học an ninh mạng online miễn phí nhằm định hướng nghề từ sớm và đào tạo những học sinh có năng khiếu trong lĩnh vực này; Chương trình sơ cứu tâm lý cho trẻ em gặp nguy hiểm trên không gian mạng qua đường dây nóng CyberHotline - cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và sơ cứu tâm lý miễn phí… Bên cạnh đó, CyberKid Vietnam còn có các chương trình khác dành cho những đối tượng trực tiếp đồng hành, bảo vệ trẻ em hàng ngày.
Vào tháng 5-2023 vừa qua, CyberKid Vietnam trở thành thành viên của GLIDES - Liên minh các tổ chức xã hội về quản trị internet, trao quyền kỹ thuật số và bảo mật toàn cầu. Với tư cách thành viên GLIDES, CyberKid Vietnam là đại diện duy nhất từ Việt Nam tham gia các cuộc hội đàm trao đổi giữa các tổ chức xã hội và lãnh đạo các nước G20 (nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới).
Khi không gian mạng trở thành một phần trong đời sống 4.0, kỹ năng ứng xử và tự bảo vệ mình trước những tác động của nó trở thành kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em. Sự đồng hành của một doanh nghiệp xã hội trẻ vì sự trưởng thành và an toàn cho trẻ em chính là những dự án cần đắp bồi và lan tỏa để xây dựng một tương lai vững vàng cho thế hệ mai sau.